Phát hiện, điều trị tim bẩm sinh cho thai nhi từ trong bụng mẹ
Tại hội nghị thường niên y học bào thai lần thứ I với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh - Từ chẩn đoán trước sinh đến can thiệp sau sinh” do BV Phụ sản Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 21-22/8, GS.BS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện này nhấn mạnh: “Cần thiết đẩy mạnh hiệu quả sàng lọc tim bẩm sinh cho thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ, để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp, giúp tăng cơ hội sống và tăng chất lượng cuộc sống khi trưởng thành cho trẻ".
Cần đẩy mạnh sàng lọc tim bẩm sinh từ trong bào thai, giúp mang thêm cơ hội sống cho trẻ.
Theo ông Ánh, tại BV Phụ sản Hà Nội đã sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm cho thai nhi khi mới chỉ 26 tuần tuổi. Đó là trường hợp sản phụ 41 tuổi, đã 2 lần sinh thường, tiền sử K giáp chưa điều trị, xét nghiệm trước sinh nguy cơ thấp.
Khi thai nhi 26 tuần chẩn đoán nhịp nhanh kịch phát trên thất, phù thai, xuất hiện dịch màng phổi, dịch ổ bụng, nhịp tim thai 237 lần/phút; được chỉ định điều trị nội khoa trong tử cung, cho mẹ dùng thuốc. Đến 30 tuần, kết quả điều trị là thai nhi không còn tình trạng phù thai, nhịp tim trở lại 140 lần/phút. Và đến 37 tuần mổ lấy thai chủ động, trẻ chào đời khỏe mạnh.
Hoặc có trường hợp phát hiện sớm thai mắc tim bẩm sinh nhờ sàng lọc kỹ, tuy không thể điều trị nội khoa nhưng ngay sau khi trẻ chào đời đã nhanh chóng được chuyển sang BV Nhi Trung ương can thiệp. Nhờ vậy, trẻ có được cơ hội sống.
"Khi thai nhi được chẩn đoán có bất thường tim bẩm sinh cần có kế hoạch quản lý thai kì phát hiện tất cả các bất thường kèm theo và chiến lược hồi sức sơ sinh cũng như theo dõi và điều trị sau sinh. Nếu bệnh tim bẩm sinh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khả năng khỏi bệnh tương đối cao.
Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này như suy tim, loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, tăng áp động mạch phổi, thậm chí tử vong.
Mặc dù hiệu quả thấy rõ, nhưng, hiện nay việc sàng lọc các bệnh lý bẩm sinh, trong đó có tim bẩm sinh cho thai nhi tại các cơ sở sản khoa chưa được thực hiện có hiệu quả", ông Ánh nhấn mạnh.
Tim bẩm sinh là dị tật bỏ sót nhiều nhất trong siêu âm sàng lọc
Ông Nguyễn Duy Ánh cho biết: “Tim bẩm sinh là bất thường bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm khoảng 1% tổng số trẻ sinh hàng năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 20 tuần tuổi thai đến 1 năm sau sinh.
Có khoảng 10-12 nghìn trẻ tim bẩm sinh sinh ra hàng năm, trong đó 50% bị tim bẩm sinh nặng, tuy nhiên chỉ 5 nghìn trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi đến lượt”.
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, chẩn đoán trước sinh giúp có chiến lược chuyển dạ tốt hơn, có sự chuẩn bị về điều kiện can thiệp hay phẫu thuật ngay sau sinh. Tuy nhiên, tim bẩm sinh là dị tật bỏ sót nhiều nhất trong siêu âm sàng lọc trước sinh do tính đặc thù chuyên khoa.
Theo ông Duy Ánh, "thời điểm siêu âm sàng lọc tim bẩm sinh hiệu quả là từ 18-22 tuần, có thể khảo sát toàn bộ cấu trúc giải phẫu của tim để phát hiện các bất thường. Một số bất thường có thể phát hiện muộn sau giai đoạn này gồm, rối loạn nhịp, viêm cơ tim, suy tim, hở hoặc hẹp van tim, các khối u tim. Một số bệnh lý thường không chẩn đoán được trước sinh như lỗ thông liên thất, thông liên nhĩ nhỏ, tổn thương van tim tối thiểu".
Hội nghị thường niên y học bào thai lần thứ I với chủ đề “Bất thường tim bẩm sinh” có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành y học bào thai và sản phụ khoa trong nước và quốc tế. Đây là dịp để các bác sĩ Việt Nam có cơ hội tiếp cận và cập nhật các kiến thức, kĩ năng, kĩ thuật mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực y học bào thai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận