Y tế

Mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu người tử vong liên quan đến thuốc lá

29/05/2020, 11:36

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm toàn cầu có khoảng 8 triệu trường hợp tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá...

img
Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá

Sáng nay (29/5) tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 với chủ đề: “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”.

Đây là một trong những hoạt động thường niên của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đồng thời là điểm nhấn để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá rộng khắp trên toàn quốc.

Thông qua sự kiện này, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khoẻ con người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn thế giới có khoảng 8 triệu người mỗi năm. Hơn 7 triệu ca tử vong này là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu là do những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các quốc gia với công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 31/5 hàng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá.

Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới lấy chủ đề “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá” nhằm tiếp tục thông tin tới cộng đồng tác hại của việc sử dụng thuốc lá, kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước ảnh hưởng của sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

Cả hai loại sản phẩm này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào, có một số thành phần độc hại tương tự như thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá này còn mới đối với thị trường tiêu dùng, nhất là tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Liên minh Quốc tế phòng, chống Lao và bệnh phổi - The UNION, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử cũng như hút thuốc lá thụ động đều có hại cho hệ tim mạch và hô hấp và là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh về tim mạch, ung thư. Hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Do đó những người hút thuốc đặc biệt dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả Covid-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với Covid-19.

PGS. TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, đồng thời kêu gọi mọi người bỏ thuốc lá vì sức khoẻ mỗi người, gia đình và cộng đồng.

Kết thúc phần mít tinh là phần diễu hành xe đạp của 80 sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông năm 2020 với chủ đề: “Cuộc sống không khói thuốc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.