Mỗi năm có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai |
Theo thống kê từ Vụ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Đáng lưu ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Những con số này được công bố tại Hội thảo về lợi ích tránh thai, hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26/9) do Tổng Cục Dân số - KHHGĐ và Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết, có 3 lý do dẫn đến tỷ lệ phá thai cao. Đó là do không áp dụng biện pháp tránh thai 55,6%, có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và đặc biệt là thất bại trong các biện pháp tránh thai lên tới gần 40%.
Trong khi đó, hậu quả để lại do phá thai rất khủng khiếp do dịch vụ phá thai đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thực hành phòng chống nhiễm khuẩn kém; hầu như không thực hiện giảm đau trong thủ thuật, kovac là thủ thuật chủ yếu để phá thai 3 tháng giữa (16-20 tuần); chưa có kỹ thuật để giải quyết phá thai từ 13-16 tuần tuổi; hướng dẫn kỹ thuật phá thai còn sơ sài; tư vấn và yêu cầu cung cấp thông tin không đầy đủ; chưa quan tâm tới cuộc sống sau phá thai, đặc biệt là cung cấp biện pháp tránh thai cho khách hàng sau phá thai…
Cũng theo kết quả khảo sát của Quỹ dân số Liên Hợp quốc, hơn 30% thanh niên Việt Nam gặp khó khăn khi tìm kiếm những thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản (SKSS) và có tới 34% thanh niên trẻ chưa lập gia đình đang có nhu cầu tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Đặc biệt người dân di cư từ các tỉnh về thành phố thường gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Hơn nữa, dịch vụ sẵn có ở bệnh viện hay phòng khám thường không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng vị thành niên. Hậu quả dẫn đến một tỉ lệ cao các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn xảy ra ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh niên và những người chưa lập gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận