|
Câu hỏi có vẻ vu vơ đó đôi khi khiến ta nhớ đến những câu chuyện… vu vơ mà ta nghe được hoặc đọc được ở đâu đó.
Ví như câu chuyện đứa con trai hỏi bố mỗi giờ làm được bao nhiêu tiền, người bố đáp là 100 USD. Cậu con trai hỏi mượn bố 50 USD.
Câu chuyện diễn ra khá dài nhưng tóm lại, cuối cùng, ông bố cũng đưa cho con 50 USD.
Cậu bé lật gối, lấy ra những đồng tiền tiết kiệm được và nói: “Bố, bây giờ con có 100 USD, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con muốn được ăn tối cùng với bố”.
Hay chuyện: Một nguời đàn ông có gương mặt khắc khổ tìm đến một cửa hàng nhờ sửa chiếc điện thoại đã cũ.
Sau khi kiểm tra, người thợ nói:
- Điện thoại của bác không bị sao hết, vẫn dùng được bình thường.
Ông cầm lại chiếc điện thoại, giận dữ:
- Anh nói sao ấy chứ, anh có biết sửa không? Điện thoại bình thường sao tôi không nhận được cuộc gọi nào của con tôi?
Đó là chuyện trong một gia đình. Hay đến ngày nhà giáo, chúng ta nghĩ đến chuyện một học sinh được gọi là thành đạt, trở nên rất giàu có. Anh ta trở lại trường và mời tất cả giáo viên đến rồi hỏi: Trong số các vị đây, ai đã từng dạy tôi? Ý anh ta là tìm người để… tri ân nhưng không ai giơ tay cả.
Trong sự liên tưởng đó, có thể ta nhớ đến câu chuyện một học sinh thành đạt khác, anh ta tìm đến nhà thầy giáo già, kính cẩn nhắc lại tên mình và những kỷ niệm với thầy, với bạn, rồi hỏi: Thầy ơi, thầy có nhớ thầy đã cho con 30 nghìn đồng để mua vé tàu lên thành phố hồi con thi đỗ đại học không?
Thầy giáo cười móm mém và lắc đầu.
Những câu chuyện tôi gọi là… vu vơ đó khiến tâm hồn ta lắng lại.
Rồi ta nghĩ: Hàng năm, đến ngày Vu lan báo hiếu hay ngày của cha, ngày của thầy cô… trên mạng ngập tràn những lời có cánh. Đôi khi trong đó có cả ta. Nhưng nhiều khi chẳng ai nghĩ rằng, chiếc điện thoại của bố mẹ ở quê hay thầy cô giáo già của mình chỉ có hai nút, một để nghe một để gọi và họ chẳng biết mạng meo là gì.
Chúng ta hay nói về sự thành đạt với nhiều lý lẽ khác nhau, nhưng có một tiêu chí mà ta ít nhắc đến, đó là cách chúng ta ứng xử với gia đình, với thầy cô, với bạn bè và những người thân thích.
Và nếu mỗi ngày lắng lại vài giây, biết đâu chúng ta nghĩ đến nhiều điều làm ấm lòng người khác hơn chuyện làm “anh hùng bàn phím”. Ừ thì đấu tranh, thể hiện quan điểm trên mạng cũng hay, văn minh, tiến bộ. Nhưng những câu chữ chúng ta hăm hở viết trên trang cá nhân mà đôi khi chỉ để thỏa mãn chính mình, để khoe với thiên hạ, có khi nào làm tổn thương đến người khác không?
Người Nhật Bản nói một câu rất ngắn về người có văn hóa, đó là không làm phiền người khác. Tôi nghĩ thêm, người có văn hóa là người luôn làm cho người khác dễ chịu.
Trong cuộc sống hối hả thường nhật, nếu không có những phút giây lắng lại, ta sẽ quên mất điều đó. Rồi ta sẽ để con chờ bố, để bố chờ con, để người thân mòn mỏi đợi chờ... Vậy thì, mục đích sống của ta là gì?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận