Cần cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực từ hai dự án vành đai
Sáng nay (10/6), Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu rõ, việc hình thành các tuyến đường này thì không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm.
Các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước nên không có lý do gì trì hoãn thêm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường
Theo ông Cường, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai.
Khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.
Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi dư luận mới chỉ nghe Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường vành đai thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí.
Theo đại biểu, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.
Ví dụ, cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này, nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường nhằm hình thành các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, trung tâm trung chuyển hàng hóa.
Đại biểu cho rằng khi đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai. Đại biểu đánh giá cao nếu Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.
Làm sao để hai dự án không đi vào lối mòn của các siêu đô thị?
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Đại biểu cũng cho biết, cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ.
Ông Thường cho biết, về quy hoạch và hình thái đô thị, vùng Thủ đô và vùng TP.HCM đều chưa phát huy được hiệu quả với hạt nhân hai siêu đô thị đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, hụt hơi với những điểm nghẽn.
Cũng theo ông Thường, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh thành. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP.HCM gặp phải. Đại biểu cho biết đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới. Xu hướng đều phải hình thành nên vùng Thủ đô, phát triển đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài vùng lõi.
Đại biểu đặt vấn đề làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên, không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước.
Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà cả quy hoạch công nghiệp, logistic, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
"Khi triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3. Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu. Để đảm bảo tiến độ, nên chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đề nghị Quốc hội cho áp dụng phương án như Chính phủ trình", ông Thường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận