Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê sáng 29/9, tính đến tháng 9, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 2.240 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 2.509 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, có 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tới 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi trường mỗi tháng do cạn kiệt sức lực. Gần 100% doanh nghiệp phía Nam gặp khó vì tác động của dịch bệnh Covid. Ảnh minh hoạ
Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có ¾ số doanh nghiệp trên cả nước đang gặp khó khăn. Riêng khu vực phía Nam, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn lên tới 98,9%.
Chín tháng cả nước chỉ có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Đây là số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất kể từ cuối 2019 đến nay.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tại TP.HCM theo đó cũng giảm mạnh về mức âm trong tháng 9. Bên cạnh TP.HCM, các tỉnh khác trong khu vực cũng có tăng trưởng công nghiệp âm là Bến Tre, Cần thơ, Bình Dương…
“Rõ ràng đợt dịch lần 4 ảnh hưởng hầu hết các địa phương. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp và nền kinh tế. Hầu hết các địa phương đều không hoàn thành phát triển công nghiệp năm 2021”, ông Thuý nói.
Ông Thuý cho biết, khả năng chống chịu của doanh nghiệp càng ngày càng cạn kiệt, nhất là tại tâm dịch 19 tỉnh phía Nam mà điển hình TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn do chuỗi sản xuất đứt gãy.
“Đây cũng là khó khăn nhất của doanh nghiệp vì vừa chống dịch, chi phí sản xuất cao, thiếu lao động trầm trọng”, ông Thuý nói.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, đến nay, sau thời gian sau giãn cách nhiều lao động tìm việc ở các lĩnh vực khác nên doanh nghiệp muốn tuyển lại lao động cũng rất khó khăn. Sắp tới có thể dịch bệnh kết thúc, doanh nghiệp cũng khó có thể có đủ lao động.
“Biện pháp quan trọng nhất bây giờ là dập dịch càng sớm càng tốt. Chính phủ tiếp tục gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh như giãn giảm thuế, hỗ trợ người lao động, thực hiện giãn cách ưu tiên doanh nghiệp có quy mô lao động lớn ở tâm dịch phía Nam để doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh nhất có thể”, ông Thuý đề xuất.
GDP quý III giảm sâu nhất từ năm 2000
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Theo cơ quan thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận