Để giảm tải cho đường bộ, Bộ GTVT đã mở hai tuyến vận tải Quảng Ninh - Quảng Bình và Bình Thuận - Kiên Giang dành cho tàu thủy nội địa cấp SB (Ảnh: Tàu SB hoạt động tại Hải Phòng) |
“Gánh” thay hàng nghìn xe tải
Đầu tháng 7/2014, chỉ sau hơn một tháng khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Bộ GTVT đã chính thức công bố mở tuyến vận tải sông pha biển dành cho tàu cấp SB (hoạt động cả trong sông và ven biển) từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Đến nay, sau gần ba tháng, hoạt động trên tuyến đã dần ổn định, một số doanh nghiệp đã tìm được nguồn hàng chạy hai chiều từ Quảng Ninh, Hải Phòng ra miền Trung. Các doanh nghiệp này còn dự tính tiếp tục đầu tư thêm phương tiện để chạy.
Ông Trần Văn Sáu, Giám đốc Công ty CP thương mại Xuân Toàn (Nam Định) cho biết, doanh nghiệp tham gia tuyến từ ngày đầu, với hai chiếc tàu loại 2 nghìn và 3 nghìn tấn. Trung bình mỗi tháng, mỗi tàu của ông chạy được hai chuyến từ Hải Phòng vào Hà Tĩnh và ngược lại. Hàng đi thường là xi măng, sắt thép và ngược lại là đá nguyên liệu sản xuất xi măng. Dù đơn hàng chưa nhiều, nhưng theo ông Sáu, sắp tới công ty sẽ nâng cấp, đưa vào hoạt động 5 - 6 tàu nữa.
"Để tạo thuận lợi cho chủ tàu, đầu năm 2015, Cục Đăng kiểm VN sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm để tàu SB được mang 2-3 cấp (tàu SB, tàu sông cấp I, II) để khi hoạt động ở vùng nào sẽ chở tải theo cấp đó. Khi đó, việc đăng ký phương tiện cũng cần thay đổi để đồng bộ”. Ông Đỗ Trung Học |
Theo ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hà (Hải Dương), đơn vị có 11 tàu tham gia tuyến, chủ yếu chạy từ Hải Dương, Hải Phòng vào Đà Nẵng, Quảng Bình và ngược lại. Các tàu này chuyên chở các mặt hàng xi măng, sắt thép, bột mỳ, sắn, đạm… Ông Lanh cho biết, hành trình mỗi chuyến tàu hàng từ Hải Phòng đến Quảng Bình khoảng 57 - 60 giờ với giá cước chỉ bằng 1/4 so với đường bộ. Thấy triển vọng kinh doanh trên tuyến mới, tới đây doanh nghiệp Thái Hà sẽ đưa tiếp hai tàu nữa vào hoạt động.
Ông Lưu Quốc Vinh, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, gần 65 nghìn tấn hàng đã được tàu SB vận chuyển từ các cảng biển ở Hải Phòng đến các tỉnh miền Trung. “Giá cước tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp hoặc đơn hàng, nhưng chắc chắn là rẻ hơn đường bộ. Nếu vận chuyển bằng xe tải, sẽ cần khoảng hơn 2 nghìn lượt xe tải loại 30 tấn di chuyển từ Hải Phòng vào miền Trung”, ông Vinh so sánh. Trong khi đó, thống kê của cơ quan cảng vụ Hàng hải và thủy nội địa cũng cho thấy, khoảng hơn 30 nghìn tấn hàng đã được xuất đi vào miền Trung, góp phần giảm hàng ngàn chuyến xe tải trên đường bộ.
Hiệu quả vận tải tuyến ngày càng rõ, nên từ chỗ ban đầu chỉ có hơn chục phương tiện, đến nay Cục Đăng kiểm VN đã thẩm định 196 tàu SB có nhu cầu hoạt động trên tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình và đã cấp chứng nhận kiểm định cho 133 tàu, gồm tàu chở hàng khô, tàu kéo và đặt cẩu, tàu dầu, tàu chở container, tàu khách…
Vẫn phải hoàn thiện khung pháp lý
Trao đổi với Báo Giao thông, hầu hết các doanh nghiệp vận tải cho biết, từ khi tham gia tuyến đều được các cơ quan chức năng tạo điều kiện tối đa, kể cả khâu nâng cấp, chuyển đổi phương tiện đến thông thoáng thủ tục ra, vào cảng biển. Tuy vậy, do vẫn còn thiếu quy định liên quan, khiến doanh nghiệp và cơ quan quản lý lúng túng, thậm chí dẫn đến tình huống doanh nghiệp bị “hành”.
Ông Trần Đức Lanh cho biết, dù trên tàu trong một ca làm việc đã có một thuyền trưởng tàu cấp SB và hai thủy thủ tàu biển, nhưng có cơ quan yêu cầu phải có ba người có bằng thuyền trưởng cấp SB. Theo ông Lanh, chỉ cần một thuyền trưởng tàu SB để điều khiển lúc tàu ra, vào cảng.
Ông Lê Văn Hùng - Trưởng phòng Pháp chế - an toàn Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh cũng cho rằng, tuyến vận tải tàu SB là tuyến vận tải có hành trình dài pha sông biển, nhưng lại đang hoạt động theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, do chưa có quy định về việc cung cấp danh sách thuyền viên cho cơ quan cảng vụ nên Cảng vụ Hàng hải chỉ vận dụng bằng cách đề nghị thuyền trưởng cung cấp danh sách để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Về hành trình phương tiện, theo quy định tàu SB chỉ được chạy cách bờ không quá 12 hải lý, nhưng trên thực tế có không ít tàu chạy vượt ra ngoài phạm vi này để tiết kiệm nhiên liệu, trong khi đó không có cơ quan chức năng nào giám sát được. Ông Lê Văn Hùng cho biết, sở dĩ có điều này là do hiện chỉ có quy định tàu chở khách tuyến ven biển phải lắp định vị vệ tinh, còn các tàu SB thì chưa.
Trung Thành - Huy Lộc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận