Giới thiệu những món ăn đặc sắc trong ngày Tết Đoan Ngọ các miền Bắc, Trung và Nam. |
Ngày 5/5 (Âm lịch) hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ, ngày giết sâu bọ là phong tục đã có từ rất lâu của người dân Việt Nam. Ngày này có ý nghĩa bài trừ bệnh tật trong tiết giao mùa.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân thường ăn những món ăn có ý nghĩa bài trừ, tiêu diệt những điều xấu xa hay nguồn gốc của bệnh tật.
Món chung của 3 miền ngày Tết Đoan Ngọ
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân trên cả nước thường ăn món cơm rượu nếp và hoa quả. Món ăn này được cho là có tác dụng loại bỏ ký sinh gây hại trong cơ thể con người.
Cơm rượu nếp được được nấu từ gạo nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng. Gạo được nấu thành cơm rồi để nguội và ủ lên men. Món ăn này hiện được biến tấu thành xôi nếp cẩm, sữa chua nếp cẩm...
Ngoài cơm rượu nếp, người dân cũng sử dụng các loại hoa quả có tính nóng như mận, đào, vải, chôm chôm... để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Món cơm rượu nếp. |
Món ăn đặc trưng miền Bắc dịp Tết Đoan Ngọ
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, miền Bắc có 2 món bánh đặc trưng là bánh gio chấm mật và bánh khúc của người Nùng.
Bánh gio là loại món ăn truyền thống ở miền Bắc và thường được ăn kèm với mật mía. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro, có vị ngai ngái và ngọt ngào khi ăn cùng mật mía.
Bánh khúc là đặc sản của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai). Bánh được làm từ gạo nếp, rau khúc, đậu xanh, vừng đen. Bánh khúc cũng có tại nhiều vùng khác của miền Bắc.
Món ăn đặc trưng của miền Trung
Tết Đoan Ngọ ở miền Trung khá đặc biệt. Trong dịp này, người dân thường ăn thịt vịt và chè kê. Tiết canh vịt cũng là món ăn phổ biến nhất trong ngày này.
Người dân quan niệm, ngày 5/5 trở đi là bắt đầu và mùa vịt. Khi đó vịt béo, thịt ngon và không còn mùi hôi. Do đó, thịt vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
Ngoài thịt vịt, chè kê cùng được người dân sử dụng. Kê được xay vỏ, nấu mềm và thêm đường cùng với nước gừng. Chè kê có thể ăn kèm với bánh tráng mè.
Món thịt vịt đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ ở miền Trung. |
Món ăn đặc trưng của miền Nam
Dịp Tết Đoan Ngọ, người dân miền Nam có 2 món đặc trưng là bánh ú nước tro và chè trôi nước. Bánh ú nước tro là một loại khác tương tự như bánh gio miền Bắc.
Bánh có hình chóp và to gần bằng nắm tay được làm từ bột nếp và nhân đậu xanh. Khi bóc, bánh không dính vào vỏ.
Món chè trôi nước ở miền Nam. |
Miền Bắc ăn bánh trôi vào ngày 3/3 Âm lịch nhưng người miền Nam lại ăn món chè trôi nước có cách làm tương tự vào ngày 5/5. Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận