Con rể mang vịt trả ơn nhà ngoại
Trong văn hóa của người Tày, Nùng ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, rằm tháng Bảy là một trong 3 dịp lễ tết rất quan trọng, thậm chí với nhiều người còn quan trọng hơn cả dịp Tết Nguyên đán và Tết 3/3. Mặc dù đã mai một song nét đẹp văn hóa này vẫn được nhiều người dân ở vùng đất Ngọc duy trì và gìn giữ.
Năm nào cũng vậy, cứ ngày 13 hoặc 14 âm lịch là cả nhà lại lỉnh kỉnh chuẩn bị đồ đạc, đặc biệt là không thể thiếu một đôi vịt để cả nhà đi “Pây tái” - ý nghĩa của cụm từ là ngày lễ báo đáp công ơn của con cái đối với cha mẹ, tổ tiên, những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình.
Chị Hoàng Thị Mai, quê ở xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, hiện lập gia đình ở thành phố Yên Bái do ở xa, thi thoảng 2 vợ chồng mới có dịp được về quê vợ, nhưng dịp lễ rằm tháng Bảy thì không thể không về.
Anh Dương Hoài Văn, chồng chị Mai cho biết bản thân anh hay bất cứ người đàn ông nào đã lấy vợ dân tộc Tày dịp này đều phải thực hiện đầy đủ, chu đáo các nghi lễ.
"Lấy vợ là người dân tộc Tày, dịp rằm tháng Bảy hàng năm tôi đều về nhà bố mẹ vợ để cùng sum họp, báo hiếu công ơn sinh thành, nuôi dưỡng", anh Văn cho hay.
Tết rằm tháng Bảy là một dịp lễ truyền thống lâu đời của người Việt nói chung. Nhưng với riêng người Tày, Nùng ở huyện Lục Yên thì nó đặc biệt quan trọng bởi theo quan niệm của họ thì đây là dịp để con cái báo hiếu với bố mẹ, tổ tiên và những người đã mất.
Tục lệ “Pây tái” không thể thiếu, là để con rể thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn công sức sinh thành, nuôi dạy người con gái của bố mẹ vợ giờ là vợ của mình.
Chị Hoàng Thị Mai, chia sẻ: “Dù lấy chồng ở thành phố Yên Bái cách huyện Lục Yên gần 100 km nhưng năm nào tôi cũng trở về nhà, chuẩn bị bánh, hoa quả và không thể thiếu đầy đủ một đôi vịt để cảm ơn công lao của bố mẹ đã nuôi dưỡng, dạy dỗ”.
Thế nên, dù bận rộn công việc đến đâu, cứ đến rằm tháng Bảy, người Tày, Nùng lại tạm gác tất cả công việc để cùng nhau vui tết. Qua đó thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Đây cũng là dịp con cháu đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, thăm nom họ hàng. Đặc biệt, với những người con gái Tày, Nùng sau khi lấy chồng, đây còn là dịp trở về chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ sau thời gian dài ở bên nhà chồng.
Ông Trần Tiến Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Huyện Lục Yên là huyện miền núi với gần 64% dân số là đồng bào Tày, Nùng.
Phong tục "Pây tái” bắt nguồn từ quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng.
Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng Bảy là dịp người phụ nữ cùng chồng con trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay chăm sóc cha mẹ.
Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cha mẹ đẻ của người con gái mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ", ông Hưng nói.
Mổ vịt để xua những đen đủi
Còn đối với người Thái tại các huyện Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tết Xíp xí (tiếng Thái “Xíp xí” có nghĩa là mười bốn) là thời điểm kết thúc một vụ mùa, để cầu xin cho con trâu cày khoẻ mạnh, cây lúa tốt tươi, người người hạnh phúc, gia đình nào cũng mổ một vài con vịt để xua đi những đen đủi trong cuộc sống.
Rượu, thịt và các món ăn khác đều được đồng bào chuẩn bị chu đáo để thết đãi bạn bè, khách khứa trong dịp lễ tết này.
Để chuẩn bị cho ngày này, các hộ gia đình người Thái ở Nghĩa Lộ đã tổ chức dọn dẹp nhà cửa, mua sắm các vật dụng cần thiết để làm bánh, đồ xôi, cơm cúng thần linh tổ tiên và mời anh em họ hàng đến cùng ăn tết.
Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: "Theo lịch của đồng bào Thái, tháng Bẩy âm lịch là tháng Giêng. Trước đây người Thái chỉ gieo cấy một vụ mùa.
Do đó, đây là thời điểm nông nhàn, công việc đồng áng đã xong xuôi, bà con chỉ tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa. Vì thế, đây là lúc con người được nghỉ ngơi ăn Tết. Không những thế, người Thái quan niệm tháng Bảy là tháng mưa lũ.
Trong mùa mưa lũ con người không buôn bán hay làm gì được nên họ tập trung con cháu với mục đích nhắc con cháu không nên đi xa để tránh tai ương, bệnh tật".
Dù Tết "Pây tái” của người Tày Nùng hay Tết "Xíp xí" của người Thái được tổ tiên truyền lại nên mang ý nghĩa quan trọng và có nhiều lễ cúng để cầu mong một vụ mùa bội thu, cuộc sống yên vui, ấm no, cũng là để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà, tổ tiên của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận