Xã hội

Món quà Tết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tặng doanh nghiệp

17/03/2018, 10:02

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hết sức giản dị, gần gũi. Ông cũng là người nỗ lực cải cách vì doanh nghiệp.

nguyen-thu-tuong-phan-van-khai-xin-tu-nhiem-som

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã xin từ nhiệm sớm 1 năm

1h30 sáng nay (17/3), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần tại quê nhà TP. HCM sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ở chặng đường đầu của công cuộc Đổi mới - Phát triển đất nước, đã tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.

Ngày 16/6/2006, ông đã có bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội, bày tỏ mong muốn từ nhiệm sớm 1 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 do tuổi cao.

Cũng tại đây, ông chia sẻ những điều day dứt và nhận lỗi trước nhân dân: "Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công diễn ra có phần tệ hại hơn mấy năm qua. Trước những việc như vậy, có phần trách nhiệm của các bộ, của Chính phủ, của cá nhân tôi là người đứng đầu. Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân".

Từ chối ngồi khoang máy bay cao cấp

Là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải thời kỳ ấy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch VCCI nhớ lại nhiều những kỷ niệm, ấn tượng về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Bà kể, trong một số dịp được đi công tác với Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, có những ấn tượng bà không thể quên.

Trước đó, khi ông còn là Phó Thủ tướng, ông đã nhận lời đến dự Đại hội của VCCI vào năm 1993 - khi VCCI còn rất nhỏ bé. “Tại đây ông đã có 1 bài phát biểu rất ấn tượng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân. Đây cũng là bài phát biểu đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ nói lên quan điểm khuyến khích mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Bài phát biểu của ông Khải đã cổ vũ mạnh mẽ 500 đại biểu là các DN tư nhân có mặt tại đại hội, tạo nên sự phấn chấn trong cộng động DN, rằng CP ủng hộ và mong muốn phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đó cũng là 1 sự khích lệ lớn đối với VCCI để chúng tôi vững tâm thúc đẩy các công việc của mình” – bà Lan nhớ lại.

Sau khoảng thời gian đó, bà có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong đó, bà nhớ mãi hình ảnh Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự Lễ khai mạc Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội. Khi ấy, với cương vị là Phó Thủ tướng, ông đến hội chợ không chỉ phát biểu khai mạc rồi về, mà còn đến thăm các gian hàng và tận mắt xem các sản phẩm của DN Việt làm ra. Sau đó, ông có một cuộc gặp nhỏ nhưng rất thân mật trong một căn phòng nhỏ ở khu triển lãm Giảng Võ với các DN tư nhân mới ra đời. Ông đã ngồi trò chuyện với họ khá thoải mái. Từ đó, nhiều người ấn tượng sâu sắc với ông bởi phong thái hết sức gần gũi, giản dị.

Theo lời kể của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, trong những buổi làm việc với Ban nghiên cứu, Thủ tướng Phan Văn Khải thực sự gây ấn tượng mạnh khi ngồi lắng nghe, tạo không khí làm việc gần gũi, nhưng dân chủ.

“Mỗi khi làm việc với ông, các thành viên Ban nghiên cứu không bao giờ có cảm giác là cấp dưới báo cáo với cấp trên, không có gì phải giữ kẽ, e ngại. Chúng tôi thoải mái nêu các vấn đề để cùng thảo luận và đi đến các giải pháp để giải quyết” – bà Lan chia sẻ.

Có dịp tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến đi dự Diễn đàn kinh tế Davos năm 1995, khi ông còn là Phó Thủ tướng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhớ lại: “Ông trình bày rất khúc chiết, rõ ràng, thẳng thắng, chân thành, đến mức nhiều DN nước ngoài đánh giá cao bài phát biểu của ông vì đã nói rất thật về bức tranh của nền kinh tế Việt Nam chứ không tô hồng.

Một số vấn đề nhạy cảm lúc bấy giờ cũng được ông nói thẳng thắn và khôn khéo. Khi phát biểu hay đưa ra một quyết định nào đó, ông đều hỏi ý kiến của các cộng sự xung quanh xem như vậy có hợp lý không, có tốt không. Đó là một tinh thần rất cầu thị và lắng nghe. Không phải người lãnh đạo nào cũng tạo cho mình một phong thái học hỏi từ các cộng sự như vậy”.

Đặc biệt, khi nhắc lại những kỷ niệm về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, bà Lan nhớ mãi câu chuyện khi nhiều lần, trong các chuyến đi công tác nước ngoài, ông đã từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng mọi người chuyện trò, kể chuyện tiếu lâm tạo không khí thân mật, gần gũi giữa người đứng đầu Chính phủ với các DN, với những người giúp việc cho mình. Bà Lan, và nhiều cộng sự của ông khi đó nhận thấy, đó là một tác phong đáng quý khiến ông chiếm được tình cảm của những người làm việc cùng.

Món quà Tết nguyên Thủ tướng tặng DN

Điển hình cho tính cách luôn lắng nghe, là mỗi lần Chính phủ chuẩn bị các dự thảo luật, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó luôi đòi hỏi Ban nghiên cứu phải tham vấn tối đa ý kiến của các cộng đồng liên quan trong xã hội. Thông qua đó, giúp cho Thủ tướng thấy rõ lợi ích của đất nước nằm ở đâu, tác động đến kinh tế như thế nào, có những đối tượng nào chịu thua thiệt và làm thế nào để giảm thiểu điều thua thiệt ấy. Và đặc biệt, phải làm sao tránh thiết kế những chính sách phục vụ lợi ích nhóm, không phục vụ cho lợi ích chung.

Phan-Van-Khai

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được biết đến là một lãnh đạo Chính phủ luôn giản dị, gần gũi và biết lắng nghe

Nhắc lại quyết định của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ông xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ 1 năm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đó là quyết định mà ít có người làm được.

Dù khi đứng trước Quốc hội xin từ nhiệm sớm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có lời xin lỗi nhân dân vì những việc chưa làm được, nhưng các thành viên Ban nghiên cứu đều cho rằng, nhìn lại những thời kỳ mà kinh tế khó khăn, ai cũng dễ nhận thấy các con số rất thuyết phục dưới thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải. Đặc biệt khi đó, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức cao, ổn định mà lại không gây ra những vấn đề lớn như nợ công, nợ xấu. Những vấn đề này luôn được ông quan tâm và kiểm soát rất tốt.

Thời kỳ đó cũng là thời kỳ rất nhiều biện pháp cải cách Việt Nam được đưa ra. Hệ thống luật pháp mới dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường, WTO, hàng loạt luật tốt được ra đời như luật Doanh nghiệp 1999, luật Doanh nghiệp 2005, luật Đầu tư 2005,… với tư duy và cách tiếp cận rất mới, rất mạnh dạn so với trước và cũng là kế tiếp tinh thần đổi mới của Thủ tướng tiền nhiệm Võ Văn Kiệt.

“Đối với cá nhân tôi và cộng đồng DN thì dấu ấn về việc thúc đẩy phát triển cộng đồng DN Việt Nam, nhất là về cơ sở pháp lý như Luật DN 1999, 2005, luật Đầu tư 2005 là những dấu ấn hết sức mạnh mẽ, dấu ấn rất lớn đối với nền kinh tế nước ta, thực sự đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế sau này” – bà Lan nói.

Bên cạnh đó, bà cũng nhắc đến một dấu ấn khác của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong việc cắt bỏ hàng loạt giấy phép con những năm 1999 – 2000. Theo bà Lan, Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy luôn mong muốn các văn bản pháp quy phải biến thành hành động cụ thể.

“Khi ra luật DN 1999, Thủ tướng Khải cho thành lập ngay tổ thi hành luật DN vào cuối năm, sau khi Quốc hội thông qua luật. Thủ tướng cơ cấu 4 người là thành viên trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng và trực tiếp giao nhiệm vụ cho chúng tôi trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện luật này, có gì vướng mắc báo cáo ngay Thủ tướng. Tổ này toàn những người có tinh thần cải cách cao, có tinh thần chiến đấu vì sự phát triển của DN như ông Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đình Cung, Trần Xuân Giá, đại diện VCCI có tôi và anh Trần Hữu Huỳnh” – bà Lan kể lại.

Chính vì vậy, khi các thành viên Ban nghiên cứu đề xuất cắt bỏ hàng loạt giấy phép con, cản trở DN phát triển và không đúng tinh thần “DN được kinh doanh những gì luật pháp không cấm”, Thủ tướng Phan Văn Khải chấp thuận ngay. “Tôi còn nhớ, danh mục điều kiện kinh doanh phải loại bỏ được ban hành vào đầu năm 2000, khiến các DN rất hồ hởi và coi đó là “món quà tết của Thủ tướng tặng DN””- bà Lan chia sẻ.

Nhắc lại những điều trăn trở của Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó, bà Phạm Chi Lan nói rằng, những gì ông giãi bày khi đứng trước Quốc hội chính là những điều ông trăn trở nhất.

Còn nhớ khi đó, nhắc đến vấn đề bộ máy, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lần nhấn mạnh yếu tố con người trong quá trình phát triển. Ông thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ dưới thời mình, sự phát huy nguồn lực, tiềm lực con người còn thấp so với khả năng và yêu cầu. Điều đó thể hiện rõ trong việc xây dựng đội ngũ lao động tay nghề, đội ngũ doanh nhân, cán bộ nghiên cứu khoa học công nghệ, cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức trong bộ máy Nhà nước. Đây là nguyên nhân quan trọng kìm hãm bước tiến về kinh tế xã hội, khiến cho Việt Nam thua kém về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực.

Trước Quốc hội khi đó, ông cũng nhận trách nhiệm trên cương vị người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước: “Tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trước những khuyết điểm và tồn tại. Vấn đề tổ chức cán bộ tuy có vượt khỏi thẩm quyền của Chính phủ nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi. Với cương vị Thủ tướng, đồng thời là uỷ viên Bộ Chính trị, tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ tham nhũng, cản trở bước tiến của dân tộc ta, đe doạ tồn vong chế độ”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.