Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và người kế nhiệm Donald Trump bắt tay, xóa bỏ những khác biệt |
Khi nhiệm kỳ Tổng thống gần kết thúc, ông Barack Obama ra sức kêu gọi đoàn kết, thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống đắc cử Donald Trump, cất công xoa dịu các nước đồng minh trong bối cảnh biểu tình, phản đối tân Tổng thống rầm rộ trong và ngoài nước.
Hôm qua (15/11), một tuần kể từ khi tỷ phú bất động sản Donald Trump đắc cử, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama xoa dịu dư luận khi nhìn nhận những dấu hiệu thay đổi kịp thời của ông Trump ngay đêm tuyên bố đắc cử. “Tôi đã được khích lệ qua những phát biểu của ông Trump đêm đắc cử rằng, điều cần thiết là chúng ta cần phải đoàn kết và ông muốn trở thành Tổng thống của tất cả mọi người. Trong một cuộc bầu cử cạnh tranh khốc liệt, những cử chỉ như vậy vô cùng quan trọng”, ông Obama nói.
Trải qua hai nhiệm kỳ và được đánh giá cao về cách ứng xử, ông Obama khuyên nhủ rằng, ông Trump không nên phóng túng trong phát ngôn như những gì thể hiện trong chiến dịch tranh cử suốt một năm qua. Bằng giọng điệu nhẹ nhàng và lựa chọn lời lẽ cẩn thận, ông Obama khuyên: “Nếu không sớm nhận ra và sửa chữa, nhiều khía cạnh trong tính khí của ông Trump sẽ khiến ông gặp rắc rối”. Bởi, “lúc là một ứng viên, ông có thể nói những điều không chính xác/gây tranh cãi, những phát ngôn đó chỉ gây tác động nhỏ. Song, nếu ở vị trí Tổng thống, tác động của các phát ngôn đó sẽ vô cùng to lớn. Mọi người trên khắp thế giới đều chú ý và thị trường sẽ biến động”.
Ông Obama chỉ đưa ra những lời khuyên trên và từ chối bình luận về quyết định đang gây tranh cãi của ông Trump khi bổ nhiệm một người ngoại đạo với chính trị Stephen Bannon làm chiến lược gia tại Nhà Trắng.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Obama một lần nữa nhấn mạnh thực tế rằng: Tại Mỹ, dù Tổng thống là người có quyền lực nhất nhưng không phải muốn “dời non, lấp biển” đều được. “Ông Donald Trump làm Tổng thống, liệu tôi có lo không? Chắc chắn rồi. Dĩ nhiên là tôi lo. Tôi và ông Trump có hàng tá thứ khác biệt nhau. Nhưng, Chính phủ liên bang và nền dân chủ Mỹ không phải chiếc xuồng cao tốc - mà đó là một chiếc tàu vượt đại dương”, ông Obama khẳng định.
Cam kết và xoa dịu đồng minh
Không chỉ xoa dịu dư luận trong nước, hôm qua, ông Obama có chuyến thăm cuối cùng tới châu Âu (thăm Hy Lạp, Đức, Pháp, Anh và Italia) để trấn an đồng minh truyền thống vốn đang sốc vì diễn biến đầy bất ngờ của cuộc bầu cử vừa rồi. Trước chuyến thăm của ông Obama, ngày 14/11, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí một kế hoạch phòng vệ mới, trong đó lần đầu tiên cho phép liên minh này nhanh chóng đưa các lực lượng phản ứng ra nước ngoài. Kế hoạch này có thể hành động mà không cần Mỹ.
Hôm nay (16/11), ông Obama bay tới Đức, hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel và gặp gỡ nhiều lãnh đạo châu Âu chủ chốt. Sau đó, ông tiếp tục tới Peru tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Mặc dù trước chuyến thăm ông Obama khẳng định, người kế nhiệm Donald Trump bày tỏ “rất quan tâm tới việc duy trì các mối quan hệ chiến lược cốt lõi”, bao gồm các đối tác “mạnh mẽ và thiết thực trong khối Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”. Song, với chuyến thăm này, ông Obama sẽ phải thể hiện những cam kết mạnh mẽ hơn nữa để giúp các đồng minh an tâm.
Theo Telegraph, các cuộc đàm phán sẽ chủ yếu tập trung vào các chủ đề: Đàm phán với Nga, khủng hoảng tại Ukraine, cuộc chiến tại Syria và khủng bố. Tại đây, ông Obama gánh nhiệm vụ nặng nề - thuyết phục các nước châu Âu rằng: Tổng thống đắc cử Trump sẽ không phá dỡ hoặc thay đổi căn bản liên minh với khối này. Mặc dù, trên thực tế, ông Obama cũng không dám chắc điều này.
Trong cuộc gặp với “người bạn thân nhất” Angela Merkel, ông Obama sẽ “nhờ” bà Merkel tiếp tục giữ đường hướng đối phó với các vấn đề Nga và Syria chứ không để mặc cho người kế nhiệm – đang có thiên hướng làm nóng quan hệ với Nga và ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Còn một năm nữa mới tới bầu cử Thủ tướng Đức nên tính đến thời điểm này, bà Merkel vẫn là lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu. Cũng trong chuyến công du chào tạm biệt, ông Obama còn một nhiệm vụ khác là phải xoa dịu châu Âu trước tuyên bố mạnh mẽ sẽ hủy thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump trước đây.
Hai đại cử tri vận động “lật kèo” ông Trump
Hai đại cử tri Đảng Dân chủ là P. Bret Chiafalo ở bang Washington và đại cử tri Micheal Baca ở bang Colorado đang nỗ lực vận động cử tri đoàn “lật kèo”, chống lại ông Trump vào ngày 19/12 tới đây, theo Press TV ngày 15/11. Chiến dịch mà hai đại cử tri trên thực hiện có tên là “Những đại cử tri có lương tâm”, với mục tiêu thuyết phục 37 đại cử tri Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông Trump. Hai đại cử tri giải thích rằng, họ sẽ không vận động các đại cử tri bỏ phiếu cho bà Clinton. Bởi, cả hai đều không ủng hộ bà Clinton; Người họ ủng hộ lại là ứng viên Đảng Cộng hoà Mitt Romney hoặc Thống đốc John Kasich - cả hai bị ông Trump loại ở vòng sơ bộ. Trước mắt, hai ông này vận động được một đại cử tri đồng ý là ông Robert Satiacum ở bang Washington. Ngoài ra, trên trang Change.org, hàng triệu người ủng hộ bà Clinton lập ra một đơn thỉnh cầu với 4 triệu chữ ký nhằm “lật đổ” ông Trump. Trong lịch sử, việc đại cử tri “lật kèo” từng xảy ra nhưng vô cùng hiếm hoi. Bản thân ông Chiafalo và Baca cũng thừa nhận, khả năng thành công là rất thấp - nhất là với 37 đại cử tri (một con số không nhỏ). Theo Tổ chức phi lợi nhuận Fairvote, nước Mỹ từng chứng kiến 157 trường hợp đại cử tri bỏ phiếu không đúng với cam kết. Trong đó, khoảng 1/2 rơi vào mùa bầu cử năm 1872, khi ứng viên Đảng Dân chủ Horace qua đời ngay sau ngày bầu cử. Lần gần đây nhất là năm 2004, nhưng chỉ với một đại cử tri ở bang Minnesota - người này dự kiến bầu cho ông John Kerry, song cuối cùng lại bỏ phiếu cho John Edwards. Hương Mai |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận