Alex Teixeira vừa đồng ý chuyển sang Trung Quốc chơi bóng với giá chuyển nhượng lên tới 56 triệu USD |
Các đại gia Trung Quốc đang vươn cánh tay thâu tóm nhiều đội bóng ở châu Âu. Ngược lại, nhiều ngôi sao tìm đường tới Trung Quốc chơi bóng. Tất cả đều nằm trong kế hoạch phát triển bóng đá của đất nước đông dân nhất thế giới.
Bóng đá Trung Quốc chuyển mình
Trung tuần tháng 1 vừa qua, báo chí Tây Ban Nha liên tục đưa tin về sự kiện Tập đoàn lắp ráp xe hơi đồ chơi Rastar của Trung Quốc sắp hoàn thành việc thôn tính CLB Espanyol (Tây Ban Nha). Người đứng đầu Tập đoàn Rastar, tỷ phú Chen Yansheng đã chấp nhận bỏ ra khoảng 19 triệu euro để mua lại 56,2% cổ phần đội bóng xứ Catalan.
Điều này đồng nghĩa với việc Chen Yansheng sẽ ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Espanyol thay cho người tiền nhiệm Joan Collet. Mặc dù vậy, mục tiêu của Chen Yansheng không chỉ là chiếc ghế Chủ tịch, người đàn ông giàu thứ 254 ở Trung Quốc muốn đổ tiền đầu tư để biến Espanyol thành một thế lực thực sự ở Tây Ban Nha, đủ sức cạnh tranh với Barca, Real hay Atletico.
Trước đó, Tập đoàn Dalian Wanda cũng vung tiền sở hữu 20% cổ phần của Atletico Madrid. Hay hoành tráng hơn là China Media Capital (CMS) khi tập đoàn chuyên về giải trí, truyền thông, hạ tầng thể thao này đã mua 13% cổ phần của City Football Group (CFC) - chủ sở hữu của một loạt đội bóng như Man City, New York City FC và Melbourne FC.
Dĩ nhiên, không phải bỗng dưng các đại gia Trung Quốc có hứng thú với bóng đá. Tất cả đều nằm trong kế hoạch phát triển môn thể thao vua của những người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc hay cụ thể hơn là Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập vốn rất mê bóng đá và có nguyện vọng biến Trung Quốc thành một cường quốc trong làng túc cầu thế giới, sao cho xứng tầm với địa vị kinh tế.
Việc các đại gia Trung Quốc “vươn vòi bạch tuộc” mò mẫm sang thị trường bóng đá châu Âu là bước đi khá khôn ngoan bởi từ đây, người Trung Quốc có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ đào tạo trẻ, công nghệ, tổ chức thi đấu… Ngoài ra, đó cũng là bước đi đầu tiên nhằm mở đường cho cầu thủ Trung Quốc xuất hiện ở những nền bóng đá hàng đầu châu Âu.
Song song với việc thiết lập tầm ảnh hưởng ở trời Âu, bóng đá Trung Quốc cũng đang dùng chiêu bài tiền bạc để thu hút các ngôi sao lớn tới thi đấu. Theo thông tin mới nhất, tiền vệ Ramires của Chelsea nhiều khả năng sẽ gia nhập Jiangsu Suning tại giải Super League (Trung Quốc) trong nay mai với mức giá kỷ lục 36,5 triệu USD. Đội bóng Trung Quốc còn tuyên bố sẵn sàng biến Ramires trở thành một trong những cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới.
Chưa dừng lại ở đó, chỉ sau đó 2 ngày, Jiangsu Suning lại tiếp tục gây rúng động làng túc cầu thế giới khi tiếp tục phá sau kỷ lục của chính mình khi chiêu mộ thành công Alex Teixeira với giá 56 USD từ Shakhtar Donetsk.
Trước Ramires, Super League đã đón một loạt những cầu thủ tên tuổi như: Diego Tardelli (Shandong Luneng), Robinho (Guangzhou Evergrande), Paulinho (Guangzhou Evergrande), Ricardo Goulart (Guangzhou Evergrande), Jadson (Tianjin Songjiang), Luis Fabiano (Tianjin Songjiang), Renato Augusto (Beijing Guoan) hay Dario Conca (Guangzhou Evergrande). Không những chiêu mộ cầu thủ, các đội bóng Trung Quốc còn đưa về những HLV tiếng tăm như: Luiz Felipe Scolari (Guangzhou Evergrande) và Mano Menezes (Shandong Luneng)…
Robinho (Guangzhou Evergrande). |
Coi chừng “xôi hỏng bỏng không”
Tất cả dẫn chứng trên cho thấy, Trung Quốc đang có một kế hoạch hành động thực sự sốt sắng nhằm nhanh chóng đưa bóng đá nước này vượt tầm châu lục, vươn ra thế giới, xa hơn nữa là vô địch World Cup như mong đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình. Thế nhưng, bóng đá không giống như kinh tế và càng không thể áp dụng bài toán kinh tế để phát triển. Đúng là thời gian qua, bóng đá Trung Quốc đã được chú ý hơn nhưng xét một cách căn cơ sự chuyển mình đó chưa đáng kể.
Hẳn nhiều người nhớ trận bán kết Cúp vô địch thế giới các CLB, Guangzhou Evergrande với HLV Scolari trên băng ghế huấn luyện cùng một loạt cầu thủ Brasil trong đội hình đã thua thảm ra sao trước Barca. Rõ ràng, khoảng cách giữa Trung Quốc và các nền bóng đá hàng đầu thế giới vẫn còn rất xa.
Thực tế, một vài ngôi sao, một vị HLV giỏi không thể nâng tầm một đội bóng yếu. Đó là chưa kể hầu hết các cầu thủ tên tuổi khi tới với bóng đá Trung Quốc đều chỉ vì chữ tiền. Chính Tardelli - tiền đạo từng góp mặt trong đội hình ĐT Brasil đá vòng loại World Cup 2018 chia sẻ: “Cầu thủ nào cũng muốn thi đấu cho một đội bóng lớn, với sự cuồng nhiệt trên khán đài bởi nó sẽ thôi thúc bạn chơi tốt hơn.
Ở Trung Quốc không có những thứ đó nhưng bù lại họ trả lương cao hơn. Tôi đã 30 tuổi và tôi phải nghĩ tới tương lai”. Tương tự, thật khiên cưỡng nếu nói Robinho, Fabiano… đến Trung Quốc để tìm kiếm thử thách mới trong sự nghiệp. Tất cả chỉ quan tâm tới việc họ ra sân hàng tuần và nhận mức lương khủng đúng hẹn cho tới khi giải nghệ hoặc hết hợp đồng.
Về mặt đối ngoại, thời gian tới, rất có thể thêm nhiều đội bóng ở châu Âu bị đại gia Trung Quốc thôn tính. Đồng nhân dân tệ sẽ chảy nhiều hơn ở thị trường chuyển nhượng nhưng khi không có tình yêu với trái bóng tròn, công sức của người Trung Quốc sẽ bị “bỏ sông, bỏ bể”. Nếu muốn tìm những bài học, người Trung Quốc hãy nhìn vào Peter Lim. Tỷ phú Malaysia đã dùng tiền để mua lại quyền sở hữu Valencia (Tây Ban Nha) với mục đích kiếm lời.
Hệ quả, đội bóng này đang vật lộn tìm lại sức mạnh của chính mình. Dù đã bổ nhiệm Gary Neville ngồi vào chiếc ghế nóng ở sân Mestala, Valencia vẫn chỉ để lại nỗi thất vọng. Erick Thohir, tỷ phú người Indonesia từng gây tiếng vang khi thâu tóm Inter Milan (Italia) nhưng sau hơn 2 năm, Nerazzurri chưa có nổi một danh hiệu nào. Tất nhiên, trong hoàn cảnh như thế, bóng đá Malaysia hay Indonesia chẳng thể “hòng nhờ” gì.
Những người lạc quan hơn có thể lấy dẫn chứng Leicester đang thi đấu cực kỳ thành công ở giải Ngoại hạng Anh dưới sự điều hành của tỷ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha. Mấu chốt làm nên sự khác biệt của Vichai so với người đồng hương Thaksin Shinawatra (từng sở hữu Man City) hay Peter Lim, Erick Thohir là hai chữ “đam mê”. Vichai yêu bóng đá thực sự, tôn trọng truyền thống CLB, muốn có sự phát triển bền vững từ gốc tới ngọn.
Là một doanh nhân, không thể nói rằng Vichai mua lại Leicester chỉ để phục vụ sở thích. Dẫu vậy, yếu tố lời lãi trong thương vụ này không thể quyết định những bước đi của nhà tỷ phú Đông Nam Á. Với túi tiền rủng rỉnh, Vichai có thể mua nhiều ngôi sao danh tiếng để thu hút sự chú ý từ người hâm mộ nhưng ông không làm vậy. Vichai đã đưa Leicester từ giải hạng Nhất trở thành một ứng viên vô địch giải Ngoại hạng Anh bằng cách làm khoa học cùng trái tim nhiệt huyết. Nghe đâu, có một lứa cầu thủ trẻ của Thái Lan đang tập luyện ở Leicester và rồi đây tất cả sẽ trở về phục vụ đất nước.
Người Trung Quốc với sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế đủ sức làm những điều mình muốn. Tuy nhiên, thành công hay không còn là vấn đề cần thời gian trả lời. Chỉ biết rằng, nếu không có tâm, nhiều tiền cũng trở nên vô ích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận