Thời sự

Mong báo chí lan tỏa những điều tốt đẹp vì ATGT

21/06/2018, 07:16

Tôi mong muốn các nhà báo đầu tiên là phải an toàn, an toàn cho bản thân và an toàn về thông tin...

6

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng trải lòng sau những chuyến đi đến hiện trường các vụ tai nạn, các chuyến thăm hỏi, động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT và cả những bài báo viết về ATGT…

Những nốt nhạc trầm

Ủy ban ATGT Quốc gia đến thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT, được mắt thấy tai nghe những câu chuyện “mang tên” nỗi đau TNGT như vậy, ông có suy nghĩ gì?

Mỗi ngày có khoảng 24 người ra đi không bao giờ trở về vì TNGT. Ở vị trí công việc của mình, tôi thường xuyên có mặt gần như nhanh nhất có thể tại hiện trường các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng những gia đình không may có nạn nhân tử vong, bị thương do TNGT. Nhiều người hỏi tôi đi nhiều như vậy có bị chai lì cảm xúc hay không, thú thực nhiều khi tôi cũng sợ mình sẽ bị như vậy.

"Báo chí có vai trò to lớn trong tuyên truyền và giáo dục việc thực thi các quy định pháp luật về trật tự ATGT, lên án các hành vi nguy hiểm gây mất an toàn cho xã hội, kể cả lên án những hành vi chưa đúng của lực lượng thực thi công vụ. Báo chí cũng là môi trường thông tin cho người dân tìm hiểu, biết về những mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề ATGT. Từ đó, tạo nên ý thức và từ ý thức đó quyết định hành vi tham gia giao thông đúng pháp luật, có văn hoá."

Ông Khuất Việt Hùng
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Đơn cử, vụ TNGT đường sắt tại Thanh Hoá vừa qua, lái tàu Nguyễn Văn Hùng thiệt mạng, để lại người vợ trẻ, hai con thơ và mẹ già. Tôi đến thăm gia đình Hùng hai lần. Sau những giọt nước mắt là sự câm lặng của người vợ. Có lẽ đau buồn xen lẫn sợ hãi trước một tương lai bất định phía trước đã làm đông cứng cảm xúc trong chị. Hay như gia cảnh lái tàu Nguyễn Văn Đệ khi vợ trẻ, con thơ, cha mẹ già cuộc sống chỉ trông vào đồng ruộng ở vùng quê nghèo tại Hưng Yên. Anh là trụ cột, là niềm hy vọng, cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương của anh. Nỗi đau in hằn trên khuôn mặt bố anh Đệ, tôi thấy ở đó có cả sự tuyệt vọng. 

Cách đây 3 năm, tôi đến thăm một gia đình ở Bắc Ninh. Hai vợ chồng đi buôn rau bị tai nạn thiệt mạng để lại hai đứa con thơ dại. Khi đến đây, tôi bỗng hình dung nếu như xảy ra đối với gia đình tôi, một ngày bỗng nhiên con tôi không có tôi trong cuộc đời, tôi lại không dám suy nghĩ tiếp. Hay như câu chuyện của chị Lê Thị Huyền, 26 tuổi, ở Phú Thọ khiến tôi cảm thấy cuộc sống thật mong manh. TNGT đã cướp đi sinh mạng hai đứa con thơ của chị, một cháu bé mới 2 tuổi và một cháu mới chỉ là bào thai 4 tháng tuổi trong bụng chị. Trong nỗi đau mất mát quá lớn cần được sẻ chia an ủi, chị lại bị gia đình chồng hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà còn chồng chị bỏ đi không bao giờ trở lại.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn trường hợp đang phải chịu nỗi đau do TNGT gây nên mà tôi được gặp gỡ, chứng kiến. Đến thăm gia đình các nạn nhân đã mất, tôi đều thấy sau tai nạn là sự biến động quá lớn với cả gia đình, thậm chí cả dòng họ. Những người sống phụ thuộc vào nạn nhân nhất là các em nhỏ; cuộc đời, tương lai của họ chuyển sang giai đoạn vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là rơi vào bế tắc.

7

Lễ cầu siêu những nạn nhân tử vong do TNGT - Ảnh: Tạ Tôn

Người lớn làm gương để trẻ em được an toàn

Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong công tác đảm bảo ATGT?

Thời gian qua, báo chí làm khá tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông, những tấm gương tốt được chuyển tải kịp thời. Bên cạnh đó, báo chí cũng thông tin kịp thời về các vụ tai nạn, những hành vi xấu, kể cả lên án những hành vi tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ.

Báo chí cung cấp cho bạn đọc những quy định của pháp luật, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Đồng thời, truyền thụ, giúp cho người dân biết những việc được phép, những điều cấm, những hành vi sẽ bị xử phạt khi vi phạm giao thông. Báo chí còn là nơi tiếp nhận phản hồi của người dân về những quy định của pháp luật còn bất cập, công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, tiếp nhận thông tin, những sáng kiến đóng góp của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện năng lực, chất lượng hệ thống chính sách quản lý ATGT, xây dựng văn hóa giao thông.

Những năm qua, TNGT tại Việt Nam liên tiếp giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó các nhà báo, các cơ quan báo chí góp phần không nhỏ cho thành công này. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, chưa nhiều bài, tác phẩm báo chí hay và hấp dẫn viết về những tấm gương tốt ATGT. Báo chí cần có cách nào đó để có những tác phẩm nêu bật những tấm gương, giá trị tốt đẹp như một chiến sỹ CSGT đưa người già qua đường hay có sự hy sinh khi chiến đấu trấn áp những hành vi vi phạm giao thông. 

Như ông vừa nói, đang có rất ít những bài báo phản ánh tấm gương tốt về ATGT. Liệu rằng có phải do mặt trái còn tồn tại nên người ta không còn tin vào những hành động tốt đẹp trong xã hội?

Tôi lại có suy nghĩ ngược lại, ra đường chúng ta vẫn thấy nhiều người sẵn sàng giúp đỡ người khác. Chúng ta thấy giao thông ngày càng trở nên trật tự hơn, có được kết quả này do một mặt nhận thức của người dân ngày càng cao, mặt khác lực lượng thực thi nhiệm vụ đã làm tốt hơn, hiệu quả hơn, đã tác động đến tâm lý, hành vi tuân thủ pháp luật ATGT.

Chúng ta không lạc quan tếu nhưng nhìn nhận cần phải khách quan. Con người ta vốn ghét cái xấu, khi đưa tin về một hành vi xấu khiến người ta dễ quan tâm hơn. Khi thấy thông tin về hành vi xấu khiến cho họ phẫn nộ ngay và tập trung suy nghĩ vào hành vi đó mà quên những điều tốt đẹp đang xảy ra xung quanh. Vì vậy, chúng ta cần những tác phẩm báo chí nói về cái tốt cũng thu hút như vậy. Trong lực lượng chức năng cũng có một bộ phận hành vi không được tốt nhưng nếu chúng ta thường xuyên lấy những điều tốt đẹp để giáo dục, đồng đội được ca ngợi, kính trọng, được thăng chức, rõ ràng sẽ là động lực để họ thay đổi hành vi.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), ông có nhắn gửi gì đến các nhà báo?

Tôi mong muốn các nhà báo đầu tiên là phải an toàn, an toàn cho bản thân và an toàn về thông tin, sau đó thêm chữ dũng cảm, dũng khí để đấu tranh với cái xấu và ca ngợi những điều tốt đẹp, có những tác phẩm báo chí chất lượng về ATGT, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng văn hoá giao thông an toàn cho người dân, thu hút sự quan tâm có trách nhiệm của toàn xã hội đối với ATGT cho trẻ em.

Chủ đề của Năm ATGT 2018 là “ATGT cho trẻ em”. Ủy ban ATGT Quốc gia mong muốn bên cạnh những bài báo thông tin chung về ATGT, các nhà báo cũng cần dành thời lượng xứng đáng nói về ATGT cho trẻ em. Người lớn nên lấy trẻ em làm trung tâm để thay đổi hành vi của mình. Muốn con đội MBH, cha mẹ phải làm gương. Cha mẹ muốn con trưởng thành có thói quen tốt thì hàng ngày các em phải được nhìn thấy cha mẹ, anh chị làm những điều tốt, tấm gương tốt. Khi thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ có công dân tương lai tốt, tham gia giao thông an toàn. Cần xem trẻ em vừa là đối tượng, mục đích cũng là động lực để người lớn tham gia giao thông có văn hóa.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.