Chuyện dọc đường

Mong được như... doanh nghiệp tư nhân

16/05/2019, 09:30

Câu chuyện lương thưởng trở thành mối quan tâm hàng đầu trên thị trường lao động.

img
Chế độ lương, thưởng của phi công Vietnam Airlines hiện có mức trần theo các quy định của Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Việt Cường

Thông thường những con số về mức lương, thưởng “khủng” được công bố, đều là của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân, khiến người lao động cùng vị trí, ngành nghề ở khối DNNN không khỏi chạnh lòng.

Quả thực, cùng một mức đóng góp như nhau, nhưng có sự chênh lệch vô cùng lớn giữa lao động khối DNNN với tư nhân. Và thực trạng này diễn ra đã từ nhiều năm nay khiến các DNNN luôn trong tình trạng đứng ngồi không yên lo giữ người có năng lực.

Cùng giữ vị trí Tổng giám đốc một ngân hàng, nhưng khối thương mại cổ phần, mức lương có thể lên tới 10 chữ số một năm, chưa kể tiền thưởng theo mức độ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của Hội đồng quản trị. Từ 7-8 năm về trước, thị trường ngân hàng đã từng xôn xao với mức thưởng lên tới 1 triệu USD cho CEO của một ngân hàng TMCP do hoàn thành vượt kế hoạch mục tiêu lợi nhuận cổ đông giao. Trong khi đó, nếu là lãnh đạo ngân hàng thương mại Nhà nước, mức lương vẫn phải tuân thủ quy định về thang bảng lương Nhà nước quy định, trên cơ sở phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Bộ LĐ,TB&XH mà thông thường không vượt qua 9 con số một năm. Nghĩa là sự chênh lệch về mức lương giữa khối tư nhân và Nhà nước có thể lên tới cả chục lần!

Rõ ràng, với cơ chế như vậy, khối DNNN sẽ bị yếu thế trong vấn đề thu hút lao động. Mà trong thời buổi công nghiệp 4.0, thương mại hoá toàn cầu cạnh tranh khốc liệt, sự sáng tạo của nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định, giúp doanh nghiệp có thế đứng vững vàng và phát triển lên một tầm cao mới. Không những vậy, nhân sự chất lượng cao còn góp phần đào tạo, dẫn dắt, tạo ra nguồn nhân lực kế cận, góp phần mang lại sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Do đặc thù về quốc phòng, an ninh, chính trị và điều kiện các doanh nghiệp tư nhân hiện tại chưa thể đảm đương, khối DNNN vẫn nắm giữ vai trò chủ chốt trong một số lĩnh vực quan trọng. Do đó, cơ chế về lương, thưởng của nhân sự chất lượng cao cần phải được tháo gỡ nhanh chóng để giữ chân và thu hút người tài. Có như vậy, những DNNN mới có cơ hội hoạt động chất lượng, hiệu quả.

Một hiện thực mà chúng ta đang thấy được là một số DNNN đang làm ăn thua lỗ, thậm chí thất thoát, tiêu cực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ luỵ trên là do đồng lương chưa thật xứng đáng với tâm huyết của người lao động khiến người tài muốn bỏ đi, người ở lại thì lo vun vén cá nhân.

Để giải quyết triệt để tình trạng “chảy máu” nhân lực chất lượng cao ở khối DNNN, rất cần có một biện pháp cấp bách nhằm tháo gỡ những rào cản về thu nhập cho người lao động. Chính sách lương, thưởng phải thúc đẩy sự cống hiến của nhân lực chất lượng cao đối với doanh nghiệp.

Các DNNN đang quản lý một nguồn lực quốc gia vô cùng to lớn, từ đất đai, tài nguyên... Song, do rào cản hiện tại về chính sách tiền lương, họ không thể giữ chân được lao động chất lượng cao khiến cho nguồn lực của đất nước không thể khai thác triệt để, hiệu quả. Đây là một sự lãng phí vô cùng to lớn tài sản của quốc gia và đánh mất đi cơ hội vàng trong phát triển kinh tế, xã hội, bắt nhịp với nền kinh tế thế giới đang phát triển như vũ bão.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.