Xác định án oan sai gây ra rất nhiều hệ lụy, làm mất lòng tin của người dân nên Quốc hội rất quyết tâm trong phòng chống oan sai. Nhờ vậy, oan sai trong tố tụng đã được cải thiện rất nhiều, mỗi năm đều có tiến bộ rõ rệt.
Không phát hiện trường hợp nào bị kết án oan
Bắt đầu từ khóa XIII, Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề oan sai, nhất là sau một loạt vụ án oan sai xảy ra, như vụ Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận hay Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh… Vì thế, Quốc hội đã có cuộc giám sát chuyên đề về tình hình oan sai, qua đó đã phát hiện rất nhiều vấn đề liên quan và sau đó đã có nghị quyết chuyên đề để khắc phục tình trạng này.
Nhờ vậy, oan sai trong tố tụng được cải thiện rất nhiều, mỗi năm đều có tiến bộ rõ rệt. Năm 2015-2016 số lượng án oan sai vẫn có, thậm chí có không ít. Nhưng đến năm 2017, chỉ có 20 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, gồm 11 trường hợp không cấu thành tội phạm nhưng vẫn bị khởi tố và 9 trường hợp hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm. Đến giai đoạn truy tố, có 10 bị cáo bị truy tố nhưng toà án tuyên không có tội. Đến giai đoạn xét xử thì không có trường hợp nào bị kết án oan.
Năm 2018, trong giai đoạn điều tra vẫn có 24 bị can bị oan do không chứng minh được hành vi phạm tội hoặc không cấu thành tội phạm, 3 người bị oan trong giai đoạn truy tố, nhưng đến giai đoạn xét xử cũng không phát hiện trường hợp nào bị kết án oan.
Dù trong cả quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố đến xét xử vẫn có oan sai, nhưng số lượng đã hạn chế đi rất nhiều. Đặc biệt đến giai đoạn cuối cùng là giai đoạn xét xử thì không có trường hợp nào kết án oan người vô tội. Điều đó chứng tỏ các cơ quan tư pháp đã cố gắng rất nhiều trong khắc phục oan sai. Còn việc loại trừ hoàn toàn án oan sai trong tố tụng là rất khó, không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ nền tư pháp tiến bộ nào trên thế giới cũng vẫn xảy ra oan sai.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến oan sai
Có thể nói, oan sai xảy ra bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, từ khách quan đến chủ quan. Khách quan là do khi đó hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ, chặt chẽ, chưa thực sự bảo đảm quy trình tố tụng công bằng, tìm ra được sự thật khách quan. Nhưng chủ yếu là nguyên nhân về chủ quan, yếu tố con người trong việc áp dụng các quy trình thủ tục. Đó là năng lực, trình độ của cán bộ tư pháp, từ điều tra viên cho tới kiểm sát viên, thẩm phán. Do tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ tư pháp chưa cao, đặc biệt có cả yếu tố tiêu cực nữa.
Hạn chế còn thể hiện ở việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Nhiều khi lời khai mâu thuẫn nhưng do thiếu trách nhiệm, do áp lực, nôn nóng đã dẫn đến oan sai. Rồi thu thập chứng cứ chỉ quan tâm buộc tội chứ chưa quan tâm gỡ tội. Pháp luật cũng quy định rõ không dùng bức cung, nhục hình nhưng thực tế vẫn có tình trạng này. Hay việc thực hành quyền công tố hay thực hiện quyền tư pháp phải tiến hành ngay khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, việc kiểm soát hoạt động điều tra, rồi khi cần thiết kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can, lấy lời khai, tiến hành đối chất, thực nghiệm điều tra… Đó là những việc cần thiết nhưng trên thực tế lại không được thực hiện, tuân thủ đầy đủ.
Trong hoạt động của tòa án, tranh tụng rất quan trọng nhằm tìm ra sự thật nhưng nhiều khi toà án không thực sự quan tâm tranh tụng, có khi luật sư tranh tụng xong VKS cũng không tranh tụng với luật sư mà hay “giữ nguyên quan điểm”. Như vậy rất khó tìm ra bản chất vụ án.
Trước đây, nhiều vụ án oan nằm ở các khâu, có những vụ đã qua xét xử như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm… Nhưng trong thời gian gần đây chủ yếu nằm ở giai đoạn điều tra và truy tố, đó cũng là bình thường. Vì để tìm ra sự thật cần hoàn thiện cả quy trình tố tụng, trong đó việc quyết định sự thật nằm ở giai đoạn cuối cùng là xét xử. Ở giai đoạn điều tra, khi có hành vi vi phạm pháp luật hay tội phạm thường bị khởi tố để điều tra, nên oan sai dễ xảy ra ở giai đoạn này. Chứ không hẳn do phía cơ quan điều tra hay cán bộ điều tra có mục đích nào đó.
Ghi âm ghi hình khi hỏi cung - cần nhưng không phải tất cả
Lật lại những vụ án oan “chấn động lịch sử tố tụng Việt Nam” như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Lương Ngọc Phi, Trần Văn Thêm… cho thấy, hầu hết nguyên nhân của án oan, sai xuất phát từ việc ép cung, dùng nhục hình làm sai lệch sự thật khách quan của vụ án.
Thường với những vụ án oan sai trong hồ sơ, các đối tượng bị truy tố đều nhận tội dù họ không thực hiện hành vi đó. Đó là do bức cung, nhục hình. Nhưng bức cung, nhục hình rất khó phát hiện. Thực tế vừa qua, những vụ được phát hiện chủ yếu là do bị can, bị cáo chết trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Lúc đó mới phát hiện có bức cung, nhục hình. Thứ hai là do phát hiện oan sai rồi mới quay lại làm rõ rằng có bức cung, nhục hình. Ví dụ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, sẽ không bao giờ phát hiện được bức cung, nhục hình nếu hung thủ thực sự không bị bắt và thừa nhận hành vi phạm tội.
Từ thực tế đó, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đặt ra các vấn đề cần sự tham gia của luật sư, có ghi âm, ghi hình khi hỏi cung… Đây là hướng đi đúng, tiên tiến, phù hợp nhưng triển khai sẽ có vướng mắc, nên cần nghiên cứu để khắc phục.
Thứ nhất là trong bối cảnh trụ sở làm việc, phương tiện nghiệp vụ chưa đầy đủ. Hơn nữa, cần quy định về trách nhiệm của người thực hiện, ví dụ khi cần đối chiếu mở băng ra mà dữ liệu bị xóa, bị hỏng thì cán bộ liên quan phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý. Rồi ghi âm, ghi hình thế nào cho chính xác, vì có trường hợp hỏi bình thường thì ghi, nhưng khi dùng nhục hình, bức cung lại tắt đi, sau đó mới bật lên ghi tiếp thì sao? Vì thế, phải quy định quy trình ghi âm, ghi hình thế nào để loại trừ được những tiêu cực như thế.
Về quan điểm cá nhân, tôi nghĩ cũng không nên quá cầu toàn, vì không phải lúc nào ta cũng mở băng ghi âm, ghi hình ra xem lại mà chỉ khi có vấn đề tranh cãi, hoặc nghi vấn bức cung, nhục hình.
Cũng có ý kiến cho rằng, bệnh thành tích cũng dẫn đến tình trạng án oan sai. Chẳng hạn chỉ tiêu phá án đặt ra cho ngành công an phải đạt trên 70%, trong đó trọng án phải đạt trên 90%.
Tuy rằng chỉ tiêu như vậy có thể đặt áp lực lên cơ quan điều tra, nhưng không phải vì áp lực mà vi phạm, bỏ qua tất cả các nguyên tắc về tố tụng hình sự. Người ta đặt cho cơ quan điều tra 2 nhiệm vụ rất quan trọng là không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội - đây là yêu cầu rất cao đối với các cơ quan tư pháp, nhưng chúng ta phải tìm giải pháp để phấn đấu thực hiện được điều đó.
Mỗi năm, Ủy ban Tư pháp nhận khoảng 10 nghìn đơn thư, chúng tôi phân ra cho các nhóm nghiên cứu theo từng lĩnh vực khác nhau, sau đó xem xét đơn nào có cơ sở, có căn cứ thì chuyển tới cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết. Nếu cần, chúng tôi liên hệ với người gửi đơn để tìm hiểu thông tin, hoặc trực tiếp cử các đoàn đến làm việc với các cơ quan hữu quan.
Về đơn thư kêu oan, Ủy ban Tư pháp cũng nhận được rất nhiều. Cũng có nhiều trường hợp Uỷ ban có hoạt động giám sát, thậm chí tổ chức các đoàn vào trong các trại giam tiếp xúc với những người liên quan để làm việc. Điển hình như vụ Hàn Đức Long, vụ Hồ Duy Hải, sau khi nhận được đơn thư, Ủy ban Tư pháp đã cử đoàn công tác vào các trại giam, gặp những người kêu oan, làm việc với các cơ quan tư pháp rồi tổ chức họp các cơ quan hữu quan, như vụ Hồ Duy Hải họp rất nhiều lần. Hay như vụ giật mũ ở Hải Phòng bị lĩnh án tù, Ủy ban Tư pháp cũng có ý kiến, trực tiếp làm việc với cơ quan tố tụng. Nhiều trường hợp cơ quan tố tụng đã kiểm tra, xem xét lại, đã có kháng nghị, nhiều người vô tội đã được minh oan.
Ngân sách bồi thường oan sai 33 tỷ đồng, cán bộ làm sai hoàn trả... 166 triệu
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2017, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước có hiệu lực pháp luật là 32,82 tỷ đồng, giảm 20,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 9 vụ việc, với tổng số tiền là 166,6 triệu đồng.
Theo quy định tại Nghị định 68 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (hướng dẫn việc xác định mức hoàn trả tiền bồi thường của người thi hành công vụ), người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải hoàn trả 50 tháng lương nếu số tiền Nhà nước đã bồi thường cao hơn 100 tháng lương của người đó; Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 đến 100 tháng lương thì mức hoàn trả là từ 40 đến dưới 50 tháng lương nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận