Ăn, ngủ tranh thủ, nhiều ngày liên tiếp không gặp mặt con, thậm chí cả khi trở thành F0 vẫn vật lộn với cả “núi” công việc.
Đó là hình ảnh của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế cơ sở của Hà Nội, khi những ngày qua ca nhiễm lên tới hơn 3 vạn mỗi ngày. Với họ, ước muốn lớn nhất bây giờ chỉ là một giấc ngủ ngon, không tiếng điện thoại reo.
Các cán bộ y tế Trạm Y tế phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm vẫn làm việc “quên ăn, quên ngủ” ngay cả khi nhiễm Covid-19
Triền miên chống dịch, chỉ gặp gia đình qua zalo
20h30, vừa kết thúc ca tư vấn cho một gia đình F0 gọi vào đường dây nóng, anh Ngô Hùng Sơn, cán bộ Phòng Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tranh thủ thời gian rảnh hiếm hoi gọi điện về gia đình.
Cả nhà anh 7 người thì 5 người mắc Covid-19, trong đó bố mẹ anh đều đã lớn tuổi và 2 con còn nhỏ.
Hiện tại, hầu hết đồng nghiệp của anh Sơn đã và đang nhiễm Covid-19, người ho sốt, người không triệu chứng, nhưng đa phần đều có mặt trực chiến bởi công việc nhiều không kể xiết.
Các nhân viên là F0 vừa chăm sóc nhau, vừa làm các công việc như tư vấn thắc mắc, phân luồng chuyển viện cho người dân là F0 qua đường dây nóng.
“Ngay đầu năm tôi cũng mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng nên dù là F0, vẫn mặc đồ bảo hộ làm việc như bình thường, bởi một người nghỉ là việc lại dồn lên vài người khác”, anh Sơn chia sẻ.
Với những cán bộ y tế cơ sở như anh Sơn, công việc chống dịch diễn ra triền miên suốt 3 năm nay chưa ngưng nghỉ, nhất là giai đoạn vừa qua, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận hơn 30 nghìn ca mắc mới.
“Ba cái Tết vừa qua, tôi cùng nhiều đồng nghiệp đều trực xuyên Tết. Tết vừa rồi, tôi cũng chỉ tranh thủ về nhà đúng chiều 30, chưa đầy 1 tiếng lại đi luôn. Từ đó đến giờ, gặp mặt vợ con đều qua zalo.
Dù cả nhà nhiễm Covid-19 cũng không dứt việc về chăm được. Có những hôm về đến cửa nhà rồi, nghe điện thoại đồng nghiệp cần hỗ trợ, vậy là lại quay xe”, anh Sơn chia sẻ.
Chu toàn với người nằm xuống
Với các nhân viên túc trực tại Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, bữa ăn luôn thất thường, món chính suốt thời gian dài là bánh mì và mì tôm. Bởi mỗi người một việc, nên ai cũng “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”.
Cứ ngơi việc là tranh thủ chợp mắt, chẳng đêm nào có giấc ngủ trọn vẹn vì đường dây nóng luôn “bỏng rẫy” cả ngày lẫn đêm.
Con số nhân viên y tế mắc Covid-19 gia tăng, phải làm việc liên tục trong nhiều giờ, sinh hoạt thất thường, không có người thay thế để ngủ nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc điều trị.
Do vậy, các biện pháp phòng bệnh cho nhân viên y tế cần được ưu tiên chú trọng. Ngoài ra, cần tăng cường, điều động kịp thời lực lượng hỗ trợ, vì đây là nhân lực chủ chốt đảm bảo điều trị cho F0 tại nhà. Từ khi đại dịch bùng phát, cán bộ y tế đã phải gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ, bị quá tải, chịu áp lực rất lớn.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Nỗi vất vả của họ càng nhân thêm gấp bội khi không nhận được sự hợp tác từ người dân.
Anh Sơn kể, có trường hợp người dân mắc Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng, nửa đêm nhận tin qua đường dây nóng, anh em nhanh chóng kết nối liên lạc sắp xếp để chuyển tuyến, chuyển tầng nhưng khi xe xuống đón thì gia đình nhất định không cho đi. Chỉ vài ngày sau, bệnh nhân trở nặng, người nhà kêu cứu nhưng đến viện không còn kịp nữa...
Hay có trường hợp mắc Covid-19 nhưng giấu giếm không khai báo y tế, đến khi trở nặng, tử vong tại nhà, anh em ở trung tâm lại thêm việc lo hỗ trợ khâm liệm, mai táng…
Theo anh Sơn, với những ca tử vong vì Covid-19, gia đình không tổ chức tang lễ mà cán bộ y tế phải phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương vào khử khuẩn, rồi bọc tử thi vào túi kín, đưa xuống Đài hoá thân Văn Điển hỏa táng.
“Nói thì đơn giản, nhanh gọn nhưng thực tế không như vậy. Mỗi ca đó nếu thuận tiện nhanh chóng cũng mất từ 1-2 tiếng, có ca mất 5-12 tiếng, bởi hai đầu Phùng Hưng và Văn Điển, nơi tiếp nhận các ca tử vong của cả thành phố vốn rất đông.
Hơn nữa việc xử lý tử vong là việc không phải ai cũng “muốn” làm, thậm chí ngay người nhà cũng sợ lây nhiễm từ người đã mất. Vì họ đều ra đi lặng lẽ, không thân nhân bên cạnh, nên chúng tôi luôn cố gắng chu toàn nhất có thể”, anh Sơn nói.
Hiện trung bình mỗi ngày, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có khoảng 2-3 ca tử vong do Covid-19 cần tới đội cán bộ y tế đến xử lý. Trong đó, có những ca đến khi tử vong cần chuyển đến nhà đại thể, được yêu cầu xét nghiệm thì gia đình mới biết họ đã nhiễm Covid-19.
“Chỉ mong một giấc ngủ yên”
Vừa trở lại hoạt động trực tiếp sau gần chục ngày đóng cửa vì cán bộ nhân viên đều nhiễm Covid-19, cả Trạm y tế Trung Văn, quận Nam Từ Liêm lại tới tấp với việc tiếp nhận thông tin, trả giấy tờ chứng nhận F0, tiêm phòng…
Dù gọi là “đóng cửa” nhưng chưa lúc nào cán bộ của trạm ngưng hoạt động. Theo y sĩ Vũ Hương Giang, trong thời gian trung tâm phải cách ly y tế, mọi công việc chuyển sang làm online.
“Mỗi ngày có vài trăm người khai báo mắc Covid-19 mới, chưa kể xử lý những cuộc gọi đến nên khối lượng công việc vô cùng lớn. Nhân lực của trạm vốn ít, nay đều là F0 nhưng không ai dám nghỉ.
Có ngày 6h sáng, bệnh nhân nhắn tin hỏi “sao chị dậy sớm thế?”, thật ra lúc đó chúng tôi chưa được ngủ, làm xuyên đêm! Đều đặn hàng ngày, công việc thường dừng khi đồng hồ báo 1-2h sáng”, chị Giang kể.
Không riêng chị Giang, nhiều nhân viên y tế nơi đây gần tháng nay chưa được về nhà. Thậm chí, ở nhà con nhỏ nhiễm Covid-19, các chị cũng không được tự tay chăm sóc, việc dồn cho chồng, ông bà nội ngoại.
“Ở thời điểm này, đã là nhân viên y tế, hầu như mọi người không có thời gian chăm sóc gia đình. Nhiều lúc nhớ con, gọi điện nói chuyện nhưng câu hỏi “khi nào mẹ về?” của con trẻ khiến chúng tôi day dứt.
Nhưng điều khiến chúng tôi buồn nhất lại chính là những lúc chúng tôi cố gắng nhất, kể cả khi đang là F0, song không ít bệnh nhân và người nhà của họ không hiểu, buông lời trách cứ, xúc phạm khi gọi điện không được.
Thực ra ai có ở đây mới hiểu được khối lượng công việc khổng lồ thế nào. Lúc đó tôi nản lắm, chỉ muốn nghỉ việc luôn, mệt mỏi, tủi thân… Chúng tôi ai cũng có một mong ước đơn giản là được một giấc ngủ yên, không tiếng điện thoại reo”, chị Giang tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh chống dịch vất vả, BS. Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, vào giữa lúc dịch diễn biến căng thẳng nhất, cả Trạm 10 người gồm 1 bác sĩ và 9 y tá, điều dưỡng đều trở thành F0.
Trong tình thế đó, cả Trạm động viên nhau cố gắng, vẫn tiếp nhận tư vấn cho các F0 qua Zalo, ai không sốt thì lên trạm làm việc. Với các bệnh nhân Covid-19 nguy cơ cao, “giai đoạn vàng” rất quan trọng. Vì thế mà có hôm dù đã nửa đêm, các nhân viên vẫn tư vấn, kết nối để chuyển viện ngay cho họ, không để lỡ cơ hội điều trị…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận