Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945 của nhân dân Liên Xô là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập tự do của Tổ quốc Liên Xô XHCN, là bộ phận quyết định và quan trọng nhất của chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945). Dù thời gian qua đi, dù đã diễn ra những biến động lớn trong nền chính trị thế giới và Liên bang Xô viết không còn nữa, nhưng những chiến công bất diệt của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh này sẽ mãi mãi sống trong kí ức nhân loại.
Đúng như những lời trong một bài hát được phổ biến rộng rãi trong suốt những năm chiến tranh cũng như đến tận hôm nay: “… Hãy đứng lên, đất nước vĩ đại. Đứng lên trong trận chiến sống còn. Đứng lên trong cuộc chiến tranh nhân dân. Một cuộc chiến tranh thần kỳ…”.
Kỳ 3: “Đợi anh về”: một biểu hiện của tâm hồn Nga, tính cách Nga
Chỉ ít năm sau ngày xuất hiện trên tờ Pravda, bài thơ “Đợi anh về” của nhà thơ Liên Xô nổi tiếng Konstantin Simonov đã đến với bạn yêu thơ Việt Nam qua bản dịch bất hủ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu: ... Đợi anh hoài em nghe/ Tin rằng anh sắp về/ Vì sao anh chẳng biết/ Nào bao giờ ai biết/ Có gì đâu em ơi/ Chỉ vì không ai người/ Biết như em chờ đợi... Bài thơ đã cùng Anh bộ đội Cụ Hồ đi qua khắp các nẻo đường kháng chiến suốt mấy chục năm ròng.
Nhà thơ, người lính Hồng quân - Konstantin Simonov |
Ít người biết rằng, hình ảnh người con gái Nga trong bài thơ được lấy cảm hứng từ một nữ diễn viên điện ảnh có thật ngoài đời tên là Valentina Serova. Trong số rất nhiều người để ý, theo đuổi Valentina có K.Simonov. Nhà thơ trẻ yêu Valentina đến si mê và chính tình yêu đó đã góp phần làm thơ ông đậm chất trữ tình. Điều trớ trêu là Valentina chưa một lần nói với Simonov từ “Yêu”, làm nhà thơ trẻ phải trăn trở, buồn phiền, thậm chí có lúc tuyệt vọng.
Đúng lúc ấy, chiến tranh bùng nổ. Như bao chàng trai khác, Simonov lên đường ra trận đối mặt với cái chết. Trong khốc liệt của đạn bom, ai dám chắc ngày mai mình sẽ sống và trở về với những cây táo, cây lê, những hàng bạch dương gió nổi? Nhưng nhà thơ có một niềm tin mãnh liệt rằng anh sẽ trở về, dứt khoát sẽ trở về nếu ở hậu phương có người yêu chung thuỷ đợi chờ. Và thế là bài thơ “Đợi anh về” đã ra đời.
Valentina Serova - nguồn cảm hứng bài thơ Đợi anh về |
Được in lần đầu trên báo Pravda ngày 14/1/1942, bài thơ ngay lập tức được nhân hàng triệu bản, được các chiến sĩ nơi chiến hào hồ hởi đón nhận. Không chỉ góp phần cổ vũ tinh thần cho những người lính Hồng quân đang ngày đêm chiến đấu ngoài tiền tuyến để bảo vệ Tổ quốc Xô viết, vượt thời gian, bài thơ còn là biểu tượng cho lòng chung thuỷ của người hậu phương với người tiền tuyến, của người vợ đau đáu chờ chồng, của người yêu ngóng đợi người yêu, trở thành biểu tượng của tính cách Nga, tâm hồn Nga.
Và đây là yếu tố quyết định để nhân dân Liên Xô trở thành người chiến thắng trong cuộc đụng đầu lịch sử với thế lực phát xít đen tối, làm nên một cuộc chiến tranh thần kỳ còn mãi với thời gian.
Nguyên Phong
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận