Ngày 11/10, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cho biết, cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án thành phần 1A - Vành đai 3 TP.HCM) dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác vào dịp 30/4/2025.
Cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM với Đồng Nai là mắt xích quan trọng của dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Khi đưa vào khai thác, cầu Nhơn Trạch sẽ chia tải cho phương tiện trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đồng thời, giúp rút ngắn thời gian di chuyển của người dân ở hai chiều.
Tuy nhiên, để đưa cầu Nhơn Trạch vào khai thác, tuyến đường Vành đai 3 (đoạn tại nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc gói thầu XL1) cũng phải đồng bộ.
Hiện nay, gói thầu XL1 đang có 15 mũi thi công phần đường và 8 mũi thi công phần cầu thực hiện cùng lúc với nhau.
Các hạng mục được tập trung triển khai chủ yếu là xử lý nền đất yếu bằng trụ đất xi măng, đắp gia tải các đoạn xử lý nền bằng bấc thấm, cọc khoan nhồi, bệ thân trụ, đúc dầm.
Tổng tiến độ gói thầu XL1 đạt khoảng 17%, cơ bản đáp ứng tiến độ tổng dự án.
Gói thầu XL1 đoạn kết nối từ cầu Nhơn Trạch đến nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Về vấn đề tổ chức giao thông, đảm bảo kết nối đồng bộ, thông xe với cầu Nhơn Trạch vào dịp 30/4/2025, Ban Giao thông cho biết, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án cầu Nhơn Trạch) thống nhất rút ngắn tiến độ, hoàn thành trước một số hạng mục tại nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đảm bảo kết nối đồng bộ với cầu Nhơn Trạch và cao tốc vào dịp 30/4/2025.
Cụ thể, tại nút giao giữa cao tốc TP.HCM - Long Thành đoạn qua quận 9 cũ, sẽ hoàn thành một nhánh rẽ từ hướng TP.HCM đi Đông Nao để kết nối vào đường dẫn để lên cầu Nhơn Trạch.
Ở hướng ngược lại cũng hoàn thành một nhánh để nối từ cầu Nhơn Trạch lên cao tốc để về TP.HCM.
Lúc đó, các phương tiện từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ không phải đi qua cầu Long Thành trên cao tốc đang quá tải như hiện nay.
"Mặc dù cầu Nhơn Trạch khởi công từ tháng 9/2022, gói thầu XL1 mới khởi công từ tháng 2/2024, nhưng để kết nối đồng bộ, các nhà thầu thi công đang tập trung người và máy móc, làm việc 3 ca 4 kíp để đảm bảo tiến độ đề ra", Ban Giao thông cho biết.
Nói thêm về vấn đề cát làm Vành đai 3 TP.HCM, Ban Giao thông cho biết, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án đoạn qua TP.HCM trong năm 2024 là 3,7 triệu m3.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã cam kết hỗ trợ cát cho dự án Vành đai 3 TP.HCM với tổng khối lượng là 10 triệu m3. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long cung cấp 1,4 triệu m3; Tiền Giang 6,6 triệu m3 và Bến Tre 2 triệu m3.
Được biết, các địa phương đã hỗ trợ và rất quyết liệt trong việc cấp phép khai thác mỏ. Hiện tại, có 2/13 mỏ cung cấp cát cho dự án, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành cấp phép 11/13 mỏ còn lại.
Đến nay, các nhà thầu đã huy động được khoảng 1,1 triệu m3 cát từ các nguồn cát thương mại trong nước, cát Campuchia cũng như cát từ các tỉnh nêu trên.
Ban Giao thông cùng các nhà thầu thi công vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ còn lại và tăng cường huy động cát từ các mỏ cát được các địa phương cam kết hỗ trợ phục vụ cho dự án, đảm bảo tiến độ đề ra.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) có tổng chiều dài dự án thành phần 1 là 47,35km.
Đoạn 1 (TP Thủ Đức) có điểm đầu tiếp giáp cầu Nhơn Trạch; đoạn 2 (địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) điểm đầu tiếp giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Kênh Thầy Thuốc.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 22.411 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố (tỷ lệ góp vốn 50% ngân sách Trung ương và 50% ngân sách thành phố).
Dự kiến, dự án thông xe kỹ thuật phần đường cao tốc toàn tuyến vào cuối tháng 1/2026; thông xe chính thức phần đường cao tốc toàn tuyến vào ngày 30/4/2026. Hoàn thành toàn bộ dự án (bao gồm phần đường song hành) vào ngày 30/6/2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận