Chuyên gia Hanel tập huấn nghiệp vụ quản lý vận hành và bảo trì trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động |
Thắng lớn trên các “mặt trận”
2014 không chỉ là năm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, lợi nhuận mà với Hanel, đây còn là năm của công nghệ và sáng tạo. Tổng giám đốc Hanel Nguyễn Quốc Bình cho biết trong năm 2014, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013 và tăng 10% so với kế hoạch đặt ra; Lợi nhuận sau thuế đạt 798 tỷ đồng, tăng 10,8% so với thực hiện 2013 và tăng 6,4% so với kế hoạch. Số tiền nộp ngân sách của doanh nghiệp trong năm 2014 lên tới 588 tỷ đồng, tăng hơn gấp rưỡi so với năm 2013.
Quan trọng hơn, theo ông Bình, trong năm 2014, Hanel đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm thành công để chính thức đề xuất một loạt dự án quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, góp phần hiện đại hóa đất nước.
Năm 2015, Hanel phấn đấu doanh thu toàn Tổng công ty đạt 11.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tổng cộng 878 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ (chỉ tiêu hợp nhất): Doanh thu đạt 1.772 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2014. Nộp ngân sách đạt 410 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 403 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 7% so với năm 2014. |
“Một số đề xuất của Hanel đã được đánh giá cao, như: Dự án Quốc hội điện tử, giáo dục tích hợp kỹ năng STEAM (gồm Science - khoa học, Technology - công nghệ; Engineering - kỹ nghệ; Art - nghệ thuật; Math - toán học); Thông qua các khu CNTT tập trung và quỹ khoa học - công nghệ tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh và y tế thông minh; Khuyến khích mô hình sáng tạo mở (phần mềm nguồn mở, phần cứng nguồn mở, tài liệu mở...); Mở chuỗi trung tâm tự làm tại các cơ sở giáo dục, các khu tập trung doanh nghiệp CNTT trên toàn quốc”, ông Bình cho biết.
Cũng theo Bình, cách tiếp cận của Hanel là tổng thể và dựa trên hệ sinh thái mở. Đó là mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng (bao gồm đường truyền, máy chủ, trung tâm dữ liệu, an toàn bảo mật) với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, nội dung. Trên thực tế, việc phối hợp tạo ra một hệ sinh thái hài hòa giữa hai nhóm doanh nghiệp này đang thiếu. Trong khi đó, đây là mấu chốt của năng lực cung cấp dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước của các doanh nghiệp Việt Nam. Hanel chọn cho mình vai trò và vị thế là đơn vị dẫn đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái này, với tiêu chí “cởi mở để sáng tạo và các bên cùng có lợi”.
“Việc xây dựng được một hệ sinh thái mở sẽ giúp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp Việt Nam và mang lại lợi ích cho cơ quan Nhà nước; góp phần hiện thực hóa chủ trương này của Chính phủ”, ông Bình khẳng định.
Bứt phá từ các dự án trọng điểm
Thống kê cho thấy, Hanel hiện đang tập trung triển khai hơn 30 dự án đầu tư trọng điểm, mũi nhọn trên các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khoa học công nghệ cao như: Dự án khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ Hanel (thuộc Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội), Dự án điểm thông quan nội địa Cổ Bi, Dự án trường Cao đẳng Công nghệ Thăng Long…
Cụ thể, trong lĩnh vực điện tử, CNTT, viễn thông, Hanel đang tập trung cho dự án nghiên cứu và sản xuất đầu kỹ thuật số (set top box); Dự án cân điện tử (đã thực hiện hoàn thành xong dự án hệ thống cân kiểm tra trọng tải xe ôtô cho Tổng cục Đường bộ VN và được đánh giá là chuyên nghiệp, chính xác, mang tính hiệu quả cao so với sản phẩm nhập ngoại); Dự án cung cấp hệ thống CNTT phục vụ cơ chế một cửa quốc gia NSW (đã cung cấp hệ thống CNTT cho Bộ GTVT thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời là giải pháp để từng bước hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Tiếp sau Bộ GTVT, sẽ kết nối và thực hiện 5 thủ tục chuyên ngành của Bộ Công thương và 10 thủ tục của Bộ Tài chính trên NSW. Sau đó, sẽ tổ chức kết nối chính thức khoảng 20 thủ tục của các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào năm 2015); Dự án thẻ xe buýt điện tử.
Các dự án cơ sở hạ tầng công nghệ cao để hỗ trợ cho lĩnh vực điện tử, CNTT, viễn thông cũng đã được Hanel tập trung đầu tư như Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, với diện tích 43,4ha, tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng. Hiện đơn vị đang tiếp tục thực hiện phần hạ tầng, triển khai các gói thầu tư vấn thiết kế lập dự án phần công trình; Dự án Điểm thông quan nội địa Cổ Bi...
Năm 2015, lãnh đạo Hanel khẳng định, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ những dự án trọng điểm mũi nhọn tạo bước phát triển bứt phá cho Công ty như: Dự án cung cấp hệ thống CNTT phục vụ cơ chế một cửa quốc gia, Dự án Chính phủ điện tử, Dự án khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Điểm thông quan nội địa Cổ Bi...
Hanel Soft đạt chứng chỉ CMMi mức độ 3 “siêu tốc” Trong năm 2014, một loạt các công ty con của Hanel đã giành được những thành tựu trong những lĩnh vực cốt lõi của mình, tiêu biểu là Hanel software đã giành được chứng chỉ CMMi với tốc độ siêu tốc sau 10 tháng triển khai. Cần phải nhấn mạnh rằng, Hanel Soft chỉ mất 10 tháng để đạt được chứng chỉ CMMi về quy trình sản xuất phần mềm, trong khi các doanh nghiệp khác phải mất 18 tháng để làm việc này. Chứng chỉ CMMi là giấy thông hành để Hanel Soft có thêm nhiều cơ hội từ thị trường quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết, trong khuôn khổ dự án hỗ trợ các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế, Bộ TT&TT đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp triển khai xây dựng quy trình là thi lấy chứng chỉ CMMi về sản xuất phần mềm. Hanel Soft là doanh nghiệp thứ 23 đạt chứng chỉ này. Thường các dự án CMMi được hoàn thành trong khoảng thời gian 18 tháng, nhưng Hanel chỉ mất 10 tháng để làm việc này. Chứng chỉ CMMi là giấy thông hành để Hanel Soft có thêm nhiều cơ hội kinh doanh tại thị trường trong nước và quốc tế. Theo đánh giá của tư vấn trưởng quốc tế, Hanel Soft nằm trong nhóm 10% công ty xuất sắc nhất về quy trình, đội ngũ, quy chuẩn sản xuất phần mềm. Hiện Hanel Soft đang có đội ngũ nhân lực phần mềm khoảng 100 người, tăng mạnh so với con số 6 người cách đây 2 năm. CMMi (Capability Maturity Model Integration) là chuẩn quản lý quy trình chất lượng quốc tế do Viện Kỹ nghệ Phần mềm Mỹ (Software Engineering Institute - SEI) phát triển, đã được các doanh nghiệp phần mềm trên toàn cầu áp dụng. Những doanh nghiệp phần mềm hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM… đều đạt chứng chỉ CMMi. T.B |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận