Nghiên cứu trên nằm trong Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown.
Nghiên cứu chỉ ra kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7/10/2023, Mỹ chi ít nhất 22,76 tỷ USD hỗ trợ Israel và cho các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, bao gồm cả các hoạt động chiến đấu với lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.
Trong đó tính đến ngày 30/9, Mỹ cung cấp ít nhất 17,9 tỷ USD hỗ trợ các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, Bờ Tây và khu vực biên giới Lebanon nhằm chống lại Iran và các lực lượng trong khu vực Trung Đông.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, đây là số tiền viện trợ cao nhất kể từ khi Mỹ phê duyệt khoản hỗ trợ đầu tiên cho Israel vào năm 1959. Trước đó trong nhiều năm liên tiếp, Mỹ chỉ chi khoảng 3 tỷ USD hỗ trợ cho quốc gia này nhưng vẫn là đối tác viện trợ quân sự hàng đầu suốt hàng thập kỷ.
Viện trợ vũ khí của Mỹ cho Israel bao gồm đạn pháo, đạn phòng không, bom dẫn đường chính xác, bom hạng nặng... được sử dụng trong các hoạt động quân sự ở Gaza.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ một lô bom nặng gần 1 tấn kể từ tháng 5 vì lo vũ khí có thể gây hại đến dân thường.
Bên cạnh hỗ trợ Israel, Mỹ cũng chi ít nhất 4,86 tỷ USD nhằm duy trì các cơ sở và khí tài quân sự trong khu vực Trung Đông, bao gồm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Lincoln, tàu đổ bộ, tàu khu trục, tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình...
Số tiền này còn bao gồm chi phí cho hoạt động chống lại lực lượng Houthi ở Yemen, bảo vệ tuyến thương mại quan trọng bậc nhất thế giới qua Biển Đỏ.
Theo nghiên cứu của Đại học Brown, quân đội Mỹ đã triển khai chiến dịch quân sự gồm các cuộc không kích với tần suất cao chống lại lực lượng Houthi vào tháng 1. Trong đó, nhiều tình huống quân đội Mỹ đã bắn những loại tên lửa đắt tiền có trị giá lên đến 4 triệu USD để tiêu diệt các máy bay không người lái của Houthi.
Đại học Brown đồng thời ước tính các cuộc tấn công của Houthi quanh khu vực Biển Đỏ đã gây thiệt hại khoảng 2,1 tỷ USD cho hoạt động thương mại hàng hải.
Song, những con số kể trên chưa phải toàn bộ chi phí hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông bởi theo tờ Washington Post, Mỹ đã cung cấp ít nhất 100 lô vũ khí có trị giá dưới ngưỡng bắt buộc phải thông báo cho Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận