Thời sự Quốc tế

Một ngày, Mỹ có hai động thái quan trọng trên Biển Đông

13/01/2022, 15:39

Ngày 13/1, Mỹ công bố nghiên cứu bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đồng thời đưa hai nhóm tàu chiến đi vào Biển Đông.

Cụ thể, Cục Đại dương và các vấn đề khoa học và môi trường quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nghiên cứu dài 47 trang, khẳng định, Trung Quốc không có bất cứ cơ sở nào trong luật pháp quốc tế để đưa ra yêu sách trên Biển Đông.

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Không có điều khoản nào trong Công ước Quốc tế về luật biển (Unclos) có chứa cụm từ “quyền lịch sử” đồng thời không có cách hiểu thống nhất về ý nghĩa cụm từ này trong luật quốc tế”.

“Bất cứ yêu sách liên quan tới các quyền như vậy đều phải tuân theo quy định trong Công ước bao gồm tôn trọng khu vực (vùng đặc quyền kinh tế), biển cả”, cũng theo nội dung báo cáo.

img

USS Essex đã tập trận trên Biển Philippines trước khi đi vào Biển Đông. Ảnh - SCMP

Báo cáo dài 47 trang còn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc với hơn 100 thực thể trên Biển Đông với lý do các thực thể này vốn sẽ bị chìm khi thủy triều lên và theo luật quốc tế thì không thể tuyên bố chủ quyền ở các thực thể như vậy.

Báo cáo nhấn mạnh, tình trạng pháp lý của tất cả các thực thể phải được đánh giá dựa trên “trạng thái tự nhiên”.

“Những hành động bồi đắp, cải tạo đất của con người làm thay đổi hiện trạng tự nhiên sẽ không thể biến đổi thực thể đó thành thành đảo”, cũng theo nội dung báo cáo.

“Những tuyên bố này (của Trung Quốc) làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền ở các đại dương và nhiều điều khoản của luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước”, nghiên cứu có viết.

Khi thông báo công bố nghiên cứu trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Bắc Kinh “dừng các hoạt động mang tính ép buộc và phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cùng ngày, hãng tin SCMP dẫn thông tin từ Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu sân bay trực thăng USS Essex cùng các chiến hạm hộ tống đã tiến vào khu vực phía Nam Biển Đông ngày 11/1.

SCSPI cho rằng, nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson và nhóm tàu Essex, hai loại "siêu chiến hạm" của hải quân Mỹ, có thể sẽ tập hợp và diễn tập chung trên Biển Đông.

Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson có 9 phi đội máy bay thuộc không đoàn tàu sân bay số 2, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35C. Ngoài ra, Carl Vinson được các tàu tuần dương hạm Lake Champlain và 5 khu trục hạm tên lửa lớp Arleigh Burke hộ tống.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng luôn khẳng định lập trường rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề Biển Đông.

"Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", bà Hằng tuyên bố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.