Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra tiến độ thi công ga Ninh Bình mới |
Công ty ALSTOM là nhà thầu phụ gói thầu CP1A thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh do Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) làm chủ đầu tư. Gói thầu CP1A có giá trị hợp đồng khoảng gần 2,3 tỷ yên và hơn 710 tỷ đồng. Thời gian thi công trong 36 tháng từ tháng 4/2012 đến tháng 4/2015. Tuy nhiên, đến nay tiến độ đang bị chậm khoảng 9 tháng. Kế hoạch thực tế tính đến giữa tháng 9 mới đạt khoảng 58%.
Ông Nguyễn Cao Minh, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ do việc chuyển tuyến thi công đường sắt trong khu vực ga Ninh Bình cũ bị chậm trễ, không thể thực hiện được từ cuối năm ngoái. Việc này khiến các hạng mục công việc khác cũng vướng theo và không thể thực hiện được.
Do yêu cầu hệ thống thông tin tín hiệu mới của ga Ninh Bình phải dùng công nghệ đồng bộ với đoạn Hà Nội - Vinh thuộc dự án HNV2, nên nhà thầu chính MRC buộc phải yêu cầu nhà thầu phụ thay đổi thiết kế hệ thống ga Ninh Bình. Gói thầu này cũng phải thay đổi các bộ ghi đơn Tg1/12-ray 50N bằng ghi đơn Tg1/10- ray 50N để phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật chung của toàn tuyến đường sắt Thống Nhất và cũng là thuận lợi cho bảo dưỡng duy tu về sau.
"Đến nay, các vướng mắc liên quan đến GPMB của dự án đã được giải quyết. Tiến độ của công trình này chỉ còn phụ thuộc vào khả năng huy động của nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ”. Ông Nguyễn Cao Minh Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt |
Do thay đổi nên Công ty ALSTOM đề nghị được bổ sung chi phí hơn 451 nghìn euro và hơn 198 triệu đồng. Hơn nữa, thời gian thực hiện sẽ kéo dài thêm 9 tháng so với kế hoạch. ALSTOM cho biết chỉ có thể hoàn thành, chế tạo, nhập khẩu và lắp đặt xong hệ thống thông tin tín hiệu ga Ninh Bình mới vào ngày 30/9/2015.
Tuy nhiên, đến nay, nhà thầu chính và Công ty ALSTOM vẫn chưa đạt được thỏa thuận giá trị bổ sung chi phí và cả thời gian điều chỉnh tiến độ. Dù phía thầu chính đã nhiều lần yêu cầu ALSTOM nộp bản phân tích đơn giá chi tiết của hạng mục trọn gói hệ thống thông tin tín hiệu nhưng không được đáp ứng.
Ông Nguyễn Cao Minh cho biết thêm, theo tính toán sơ bộ việc thay đổi này chỉ chiếm khoảng 14% giá trị trên tổng chi phí thiết kế hệ thống thông tin tín hiệu, trung bình khoảng 81.500 euro. Như vậy, con số mà Công ty ALSTOM đưa ra không hợp lý. Các vướng mắc này là rủi ro lớn đối với tiến độ gói thầu.
Trong cuộc họp hồi đầu tháng 10 với Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, ALSTOM và nhà thầu chính, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu ALSTOM đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo kế hoạch tổng thể của gói thầu. Thứ trưởng cũng yêu cầu đưa ALSTOM vào danh sách theo dõi. Nếu không đạt tiến độ và chất lượng, kiên quyết cắt hợp đồng, không cho thực hiện các dự án đường sắt khác.
Đây là một động thái nhằm từng bước “gạn đục khơi trong” các nhà thầu thi công dự án đường sắt vốn quen ì ạch nhiều năm qua. Tới đây, với việc kiện toàn lại Ban QLDA đường sắt, nhiều dự án đường sắt của Cục Đường sắt VN và Tổng Công ty Đường sắt VN đang được bàn giao về Bộ, chắc chắn tiến độ các dự án đường sắt sẽ không còn cảnh “dậm chân tại chỗ”.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận