Xin chỉ định thầu dự án thành phần cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng
Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xin tham gia thi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Công ty CP Tập đoàn Thành Huy là một trong những đơn vị trong liên danh nhà thầu bị cảnh cáo về tiến độ tại dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên đang triển khai - Ảnh minh họa
Phạm vi thi công doanh nghiệp này xin chỉ định thầu là đoạn cuối của dự án thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng với chiều dài khoảng 14,2 km (Km554+00-Km568+200) và đoạn đầu của dự án thành phần Vũng Áng - Bùng với chiều dài khoảng 10 km (Km568+200-Km577+800).
Khẳng định năng lực khi tham gia ứng tuyển, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cho biết đã có kinh nghiệm tổ chức thi công khi tham gia 4 gói thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn: Cam Lộ - La Sơn, QL45 - Nghi Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó, phần việc tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn và gói XL01 dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã được hoàn thành.
Doanh nghiệp cũng đang có một số mỏ, đất đắp nằm trong vùng quy hoạch dự kiến sử dụng thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện có rất nhiều DN đang xin chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 - Ảnh minh họa
Mặc dù vậy, tìm hiểu của PV, Công ty CP Tập đoàn Thành Huy vừa bị Ban QLDA Mỹ Thuận đưa vào diện cảnh cáo khi để chậm tiến độ một gói thầu tại dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên.
Cụ thể, ngày 3/8/2022, ông Phan Duy Lai, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận đã ký văn bản cảnh cáo chậm trễ tiến độ thực hiện gói thầu CW4C dự án ĐTXD tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Nội dung văn bản nêu rõ: "Quá trình thi công nền đường, mặc dù đã được tỉnh An Giang hỗ trợ nguồn cát đủ cho gói thầu đến hết gia tải nhưng nhà thầu chưa chủ động huy động về công trường, vẫn cầm chừng. Các đoạn tuyến Km17+500-Km17+600 và Km20+100-Km21+790 đã hoàn thành đào bóc hữu cơ nhiều ngày nhưng chưa thi công cát nền đường".
Trước đó, tại cuộc họp ngày 26/7/2022, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có chỉ đạo nhà thầu Miền Trung và Thành Huy bắt đầu huy động cát và thi công các đoạn tuyến này từ ngày 28/7/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm phát đi văn bản cảnh cáo, nhà thầu chưa triển khai gây chậm tiến độ gói thầu và ảnh hưởng cả gói thầu khác.
Cùng với việc cảnh cáo giám đốc Ban điều hành gói thầu CW4C (lần 1) do điều hành chưa hiệu quả, dẫn đến tiến độ chậm trễ kéo dài của gói thầu CW4C, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cảnh cáo 3 thành viên của Liên danh nhà thầu gói thầu CW4C, trong đó có Tập đoàn Thành Huy về việc chậm tiến độ của gói thầu.
Nhà thầu nói gì?
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Báo Giao thông sáng 23/9, ông Nguyễn Phi Long, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy cho biết, thời gian đầu thi công gói thầu CW4 gặp khó khăn về vật liệu cát. Nguyên nhân do khi nhà thầu vào dự án, trữ lượng mỏ Trung Hậu - 68 chỉ được cấp theo trữ lượng khai thác thông thường với tổng trữ lượng khoảng hơn 735.000 m3.
Trong khi đó, nhu cầu cát nền cho gói thầu CW4 (CW4A, CW4B, CW4C) lên đến hơn 1,4 triệu m3. Cộng với việc giai đoạn này, khu vực có nhiều dự án cũng đang được triển khai như Mỹ Thuận - Cần Thơ nên gói thầu CW4 sau khi khai thác được vài chục nghìn m3 đã không còn cát để khai thác tiếp, cung cấp cho dự án.
Theo ông Long, trước thực trạng trên, nhà thầu cùng Ban QLDA đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị tỉnh cấp thêm trữ lượng cho mỏ Trung Hậu - 68 và ưu tiên cho dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh Long Xuyên. Lãnh đạo địa phương cũng thống nhất cấp thêm trữ lượng cho mỏ thêm khoảng 370.000 m3. Tuy nhiên, đến nay, thủ tục cấp thêm vẫn chưa được hoàn thành, ảnh hưởng đến tiến độ thi công gói thầu và dự án.
“Mặc dù vậy, ngày 21/9, Ban QLDA, tư vấn giám sát và các nhà thầu đã chủ động tổ chức họp và thống nhất phân khai khối lượng vật liệu cát cụ thể cho từng gói thầu, trong đó, có phần việc thi công của Tập đoàn Thành Hưng. Dự kiến dợt 3 sẽ tiếp tục phân khai 75.000 m3, riêng nhà thầu Thành Huy sẽ được khoảng 50.000 m3. Trước đó, gói thầu CW4C do nhà thầu Thành Huy tham gia đã được phân khai khoảng 240.500 m3 trên tổng nhu cầu 500.000 m3”, ông Long thông tin và khẳng định khi vật liệu được khơi thông, nhà thầu sẽ tập trung lực lượng dồn lực triển khai trên hiện trường, đảm bảo tiến độ theo đúng yêu cầu.
Tìm hiểu của PV, theo báo cáo của Bộ GTVT gửi Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí lựa chọn nhà thầu xây lắp được xét trên các yếu tố: Thời gian hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông; Năng lực hành nghề xây dựng (có chứng chỉ năng lực phù hợp); Kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự; Lịch sử không hoàn thành hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định. Cùng đó là yêu cầu về nguồn lực tài chính, kết quả hoạt động tài chính, nhân sự, thiết bị.
Dù chưa có quy định tiêu chí cụ thể, song, để ngăn chặn các nhà thầu không đủ năng lực tham gia vào các dự án giao thông trọng điểm tiếp theo, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Ban QLDA/chủ đầu tư xem xét năng lực nhà thầu thi công các dự án hiện hữu, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ. Biện pháp nặng hơn được đề xuất là xem xét chấm dứt hợp đồng và cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 3 - 5 năm đối với nhà thầu vi phạm.
Tại nhiều cuộc họp gần đây, lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA giám sát chặt tiến độ, chất lượng các dự án, nếu nhà thầu chậm tiến độ, thi công không đảm bảo sẽ xem xét không làm các dự án sau, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận