Điều tra

Một quân nhân chết 50 năm chưa được đền bù vì bắt oan

16/01/2021, 07:47

Nửa thế kỷ trôi qua, con trai ông Duyện vẫn đang phải mòn mỏi đi đòi công lý cho bố dù vụ án giết người mà bố ông là nghi can đã được làm rõ.

img

Nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Văn Tuyến gửi đơn tới các cơ quan đề nghị minh oan cho bố mình nhưng chưa được xem xét thấu đáo

Năm 1967, tại ga Phạm Xá xảy ra một vụ án mạng khiến một phụ nữ tử vong. Anh bộ đội Phạm Văn Duyện bị bắt vì là nghi can số 1. Uất ức vì bị oan, ông Duyện thắt cổ chết trong trại giam. Hung thủ thực sự của vụ án sau đó được làm rõ, nhưng nửa thế kỷ trôi qua, con trai ông Duyện vẫn đang phải mòn mỏi đi đòi công lý cho bố.

Vụ án chấn động một thời

Nhắc tới vụ án mạng ga Phạm Xá (nay thuộc địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) từng gây chấn động một thời, ông Nguyễn Văn Môn (SN 1957, thôn Tân Hưng, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành) kể: “Khi đó, tôi còn ra xem người ta bắt ông Phạm Văn Duyện ở thôn Bùng Dựa, khám nhà rồi đưa đi. Tới khi bắt được tên hung thủ thực sự, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh người ta xử bắn công khai hắn. Chỉ khổ ông Duyện, ra đi trong oan khuất, vợ con ở lại chịu cảnh ghẻ lạnh một thời gian dài”.

Cơ quan nào đứng ra bồi thường, xin lỗi?

Quốc hội đã có Nghị quyết 388 ngày 17/3/2003 về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Bên cạnh đó là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 với những khung pháp lý chặt chẽ, quy định cụ thể.
Trong trường hợp cựu quân nhân Phạm Văn Duyện bị bắt do tình nghi phạm tội giết người, đã tự tử trong tù như bài viết phản ánh, để được chứng minh là án oan thì gia đình cựu quân nhân phải thực hiện theo quy trình: Gia đình gửi đơn tới cấp có thẩm quyền (Viện Kiểm sát quân sự Trung ương). Tiếp nhận đơn, Viện Kiểm sát quân sự Trung ương tiến hành các bước xác minh tài liệu, nhân chứng… để đưa ra kết luận.
Dựa trên kết luận điều tra này, nếu xác định cựu quân nhân Phạm Văn Duyện bị oan thì các cơ quan chức năng mới thực hiện các bước tiếp theo là bồi thường thiệt hại. Cơ quan chủ trì việc xin lỗi, bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là Viện Kiểm sát quân sự Trung ương.

Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư Hà Nội)


Trên đường dẫn chúng tôi tới nhà con trai ông Duyện là Phạm Văn Tuyến (SN 1962 ở thôn Bùng Dựa, xã Tuấn Hưng), ông Môn chỉ tay vào những ngôi nhà san sát suốt quãng đường đi, cho biết: “Ngày xưa, cả khu vực từ ga Phạm Xá đến thôn Bùng Dựa dài hơn 1km, nhà cửa rất thưa thớt, một bên là cánh đồng. Hai bên đường có rặng phi lao, cạnh đó là con mương dẫn nước khá rộng chạy song song với con đường đất gập ghềnh. Quãng đường này cũng chính là hiện trường vụ án mạng”.

Hôm đó là một ngày đầu xuân năm 1967, những người đi chợ sớm kinh hãi phát hiện ra thi thể cô Nguyễn Thị Chu, người làng Cam Thượng, xã Tuấn Hưng nằm trên bờ mương, bên rặng phi lao trên con đường từ thôn Cam Thượng ra ga Phạm Xá.

Điều đau lòng là khi bị sát hại, cô Chu đang mang thai. Cô Chu vừa học xong lớp y tá của tỉnh Hải Dương, hôm trước cô xuống trường nhận bằng tốt nghiệp, sau đó đi tàu đêm về nhà, rồi xảy ra án mạng.

Khi đi, cô chỉ mang theo cái túi có mấy cuộn len để vừa đi vừa đan và vài đồ dùng lặt vặt. Tai cô đeo một đôi nụ bằng vàng có trọng lượng 1 chỉ. Khi phát hiện thi thể cô Chu, cả cái túi và đôi nụ đều mất.

Cùng trên chuyến tàu đêm hôm đó có một anh bộ đội mua vé tàu từ Hà Nội về là ông Phạm Văn Duyện (SN 1939). Ông Duyện là người thôn Bùng Dựa, gần làng nạn nhân, cách hiện trường vụ án khoảng 100m.

Ông Duyện đi bộ đội, phục viên, lấy vợ, sinh con sau đó nghe theo tiếng gọi của Đảng đã tiếp tục tái ngũ. Thời điểm đầu năm 1967, ông Duyện đang là quân nhân thuộc Sư đoàn 320C. Trên đường vào Nam chiến đấu, đến Thạch Thành, Thanh Hóa thì ông Duyện bị ốm không đi tiếp được, đơn vị cho ở lại để điều trị. Hôm đó, ông Duyện về nhà để chữa bệnh. Vì vậy, ông Duyện trở thành nghi can số 1 của vụ án.

Vì nghi can là bộ đội nên Ban chuyên án được thành lập gồm K52 Bộ Công an, Công an Hải Dương và Phòng Điều tra hình sự, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương.

Thời kỳ đó, rất ít khi xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng nên cán bộ điều tra chưa nhiều kinh nghiệm, khung pháp lý cũng chưa chặt chẽ. Trong thành phần Ban chuyên án có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó những người chiếm số đông, chức vụ cao khăng khăng cho rằng hung thủ chính là ông Duyện.

Ông Nguyễn Trọng Tỵ, cán bộ điều tra của Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương năm xưa là một trong số những cán bộ điều tra vụ án ga Phạm Xá.

Theo ông Tỵ, cơ quan chức năng không phát hiện ra ông Duyện mang theo vũ khí. Sau khi về thăm nhà, ông Duyện đã trở lại đơn vị, bị bắt tại đây nên không có đủ căn cứ về việc ông Duyện đào ngũ, mang theo vũ khí. “Các tình tiết, chứng cứ khẳng định anh Duyện là hung thủ cũng rất mờ nhạt, tuy vậy anh ấy vẫn bị bắt”, ông Tỵ cho hay.

Do ông Tỵ kiên trì quan điểm không thể buộc tội một cách suy diễn, không có chứng cứ xác đáng nên ông bị điều động đi khỏi Phòng Điều tra hình sự, xóa tên khỏi danh sách phong quân hàm đại úy, mặc dù đã đến niên hạn.

Còn ông Duyện bị giam giữ hơn hai năm, không được gặp người nhà, không có ai bênh vực nên bi quan, tuyệt vọng. Ông Duyện lấy gạch non viết vào cánh cửa buồng giam: “Xin tổ chức và Quân đội xét cho tôi, tôi không giết người” rồi lấy màn bện thành dây thắt cổ tự tử…

Nửa thế kỷ mang án oan

img

Ga Phạm Xá, khu vực xảy ra vụ án chấn động một thời

Thắp nén hương lên bàn thờ bố, ông Phạm Văn Tuyến mắt nhòe lệ kể: “Suốt thời kỳ bố tôi bị bắt giam và nhiều năm sau đó, mẹ con tôi sống trong cảnh ê chề vì mang tiếng là vợ, con của kẻ giết người. Ngày đó, quan niệm của người dân về tội phạm nặng nề lắm…”.

Ba năm sau vụ án ga Phạm Xá, tới năm 1970, Công an Hải Phòng bắt được tên Vũ Minh Lễ, thủ phạm giết một phụ nữ người Hoa ở Thủy Nguyên để cướp tài sản. Lễ bị tuyên án tử hình, việc xử bắn công khai được tiến hành tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, cách hiện trường xảy ra vụ án ga Phạm Xá không xa.

Trước ngày ra pháp trường, có lẽ do lương tâm cắn rứt, tên Lễ đã khai ra các vụ án khác mà hắn đã thực hiện trong đó có vụ giết cô gái ở ga Phạm Xá. Hắn khai đã làm quen với cô gái từ chỗ mua vé, thấy cô có đôi hoa tai nên hắn cũng mua vé xuống cùng ga với cô. Khi đi gần bờ mương, hắn đẩy cô gái xuống nước rồi túm hai chân cô dốc ngược, cho đầu xuống nước khiến cô gái chết ngạt. Công an đã theo lời khai của Lễ, tìm được tang vật vụ án.

Đến lúc này, ông Tỵ cũng được “minh oan”, được đưa về đơn vị cũ và phong quân hàm đại úy, nhưng ông Duyện thì đã ra đi mãi mãi trong nỗi oan khuất...

Đã hơn 50 năm trôi qua, tới nay gia đình ông Duyện liên tục có nhiều đơn gửi tới các cấp tòa, viện kiểm sát đề nghị minh oan cho người cựu quân nhân. Rất nhiều lá đơn gửi đi nhưng vẫn chưa có một cuộc điều tra thực sự nào được thực hiện nhằm trả lại danh dự cho anh bộ đội chịu án oan suốt 53 năm qua.

“Mẹ tôi đã mất mấy năm trước trong nỗi dày vò vì bố tôi vẫn chưa được minh oan sau mấy chục năm. Tới nay, tôi và các con vẫn kiên trì kiến nghị tới các cơ quan chức năng, tới công luận để hy vọng một ngày nào đó bố tôi được trả lại danh dự”, ông Tuyến bày tỏ.

Trong cuốn “Lịch sử ngành Kiểm sát quân sự Việt Nam (1945 - 2000)” do NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2001, có ghi chép rất rõ ràng về vụ án oan của ông Phạm Văn Duyện. Trang 84 cuốn sách viết: “Trong quá trình điều tra, do số vụ án nhiều, cán bộ điều tra ít, lại thiếu kinh nghiệm, nên có nhiều vụ hồ sơ chưa chặt chẽ, không đầy đủ, thậm chí có vụ do nóng vội, nghiên cứu hiện trường chưa kỹ lưỡng, thu thập dấu vết tang vật chứng không đầy đủ, thiếu chính xác, lại dựa vào những suy diễn chủ quan, những căn cứ thiếu khoa học, đã bắt oan một quân nhân tên là Duyện bởi nghi Duyện là thủ phạm giết một phụ nữ có thai, lấy hoa tai rồi nhét nạn nhân vào cống thông nước trên đường từ ga Hải Dương về làng…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.