Hãng tin Bloomberg dẫn lời một số quan chức ngoại giao giấu tên cho biết Đức, Hà Lan và một số quốc gia Tây Âu muốn Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá khả năng sẵn sàng của Ukraine về việc được trao tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) trước khi xem xét đơn gia nhập của Kiev.
Theo Bloomberg, các quốc gia Tây Âu này muốn tập trung hỗ trợ thiết thực cho Ukraine và chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine thay vì bắt đầu tiến trình xem xét tư cách ứng viên cho vị trí thành viên EU - vốn có thể kéo dài ít nhất một thập kỷ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) ký đơn xin gia nhập EU hôm 28/2. Ảnh - Facebook
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký đơn xin gia nhập EU, kêu gọi liên minh “lập tức chấp thuận qua cơ chế đặc biệt mới”.
Đề nghị của ông Zelensky nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia thành viên EU ở khu vực Đông Âu như Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia. Các nước này kêu gọi lập tức trao tư cách quốc gia ứng viên EU cho Ukraine và mở ra tiến trình đối thoại cho các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, hiện chưa có “quá trình đặc biệt” để rút ngắn quá trình xem xét đề nghị gia nhập của Ukraine. Thậm chí, việc xét tư cách ứng viên EU cũng đòi hỏi quá trình điều tra của Ủy ban Châu Âu (EC) và cần đạt sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên. Sau khi trở thành ứng viên chính thức, quá trình xem xét tư cách thành viên vẫn có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia ứng viên từ năm 1999.
Một số quan chức EU cũng bày tỏ quan điểm việc xem xét tư cách thành viên của liên minh là quá trình kéo dài nhiều năm. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Gia nhập EU không phải là điều có thể thực hiện trong vài tháng mà bao gồm quá trình chuyển đổi sâu rộng”.
Khi xem xét tư cách thành viên EU, EC sẽ đánh giá trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, quy định môi trường, hệ thống luật pháp, nông nghiệp… Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Zelensky cần có những cải cách sâu rộng để cải thiện vấn nạn tham nhũng mới có thể được xem xét tư cách ứng viên EU.
Một yếu tố khác được cho là nguyên nhân khiến Đức và Hà Lan lưỡng lự trong việc xem xét kết nạp Ukraine là bởi quốc gia này đang thuộc hàng nghèo nhất khu vực châu Âu, xét trên một vài chỉ số. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người của Ukraine là 3.727 USD/người, chưa bằng một nửa GDP của đất nước nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU) - Bulgaria.
Trong khi đó, Đức và Hà Lan lần lượt đóng góp nhiều nhất và thứ 6 cho ngân sách hàng năm của EU. Do đó, việc kết nạp Ukraine có thể gia tăng gánh nặng lên kinh tế của hai quốc gia này.
Một lý do khác là việc kết nạp Ukraine khi Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự tại đông Ukraine có thể lôi kéo EU vào xung đột với Nga - điều mà một số quốc gia thành viên muốn tránh khỏi.
Tuy vẫn còn nhiều bất đồng giữa các thành viên trong khối nhưng ngày 7/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo: "Chúng tôi sẽ bàn về đơn xin gia nhập thành viên EU của Ukraine trong một vài ngày tới".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận