Quản lý

Một tài khoản trả các loại phí giao thông có khả thi?

05/02/2021, 06:32

Về công nghệ, việc dùng tài khoản thu phí điện tử thanh toán cho nhiều dịch vụ giao thông, kể cả nộp phạt vi phạm là khả thi.

img

Trong tương lai, các chủ xe ô tô sẽ sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông, kể cả nộp phạt vi phạm giao thông (Ảnh minh họa)

Được thanh toán cho các loại hình khác

Chiến lược đảm bảo ATGT vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng đến mục tiêu 100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm giao thông.

Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về ví điện tử. Tài khoản giao thông được gắn định danh với xe ô tô nên các nhà cung cấp dịch vụ tài khoản giao thông chỉ cần đáp ứng theo quy định về ví điện tử là hoàn toàn có thể triển khai. Khi triển khai dự án thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT đã tháo gỡ vấn đề kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân nên tài khoản giao thông cũng giống như ví điện tử.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT)


Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động - VETC cho biết, về công nghệ việc này hoàn toàn khả thi. Theo đó, tài khoản giao thông ngoài mục đích chính để thanh toán tiền qua trạm thu phí còn có thể dùng thanh toán các dịch vụ liên kết như vé tàu, vé xe, nộp phí bảo trì đường bộ, nộp phí đăng kiểm và nộp “phạt nguội” vi phạm giao thông. Đây là hệ sinh thái số thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông.

Tuy nhiên, hiện hành lang pháp lý chưa cho phép thanh toán qua tài khoản giao thông được thanh toán cho các loại hình khác ngoài trả phí đường bộ qua trạm thu phí. Bên cạnh đó, chưa có hành lang pháp lý giai đoạn 4 (thu phí không cần barie) của thu phí không dừng như thế nào.

“Từ kết quả của dự án thu phí tự động không dừng đã triển khai ở hầu hết các trạm thu phí, Chính phủ đang hướng đến thu phí tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ ở mức độ cao nhất của thu phí không dừng là không còn barie. Thay vì chỉ có khoảng 30% trong tổng số gần 4 triệu xe ô tô như hiện nay, đến giai đoạn đó, lượng phương tiện sử dụng tài khoản giao thông và nạp tiền sử dụng dịch vụ sẽ chiếm đa số và mục tiêu như Chiến lược là khả thi”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, để tiến tới giai đoạn đó, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ cho thu phí không dừng giai đoạn 4. Trong đó, quan trọng nhất là hình thức thanh toán trả sau thay vì chỉ cho phép trả trước như hiện nay, nhất là quy định thu hồi nợ đối với chủ phương tiện không có tiền trong tài khoản.

Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội) cho biết, khi thanh toán không dùng tiền mặt sẽ minh bạch hơn trong dòng tiền. Đơn cử việc thu phí ra - vào tại sân bay hay chỗ đỗ xe tại Nội Bài, về mặt lý thuyết sân bay này đang hạch toán độc lập, có thể họ không muốn công bố doanh thu hàng tháng hoặc kê khai không đúng con số thực tế. Nhưng khi thanh toán qua tài khoản giao thông, mọi việc sẽ khác.

Hiện, các chủ phương tiện ô tô đã bắt đầu ý thức được sự tiện lợi khi sử dụng thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, đến nay việc thanh toán mobilemoney (tiền di động) vẫn chưa được phê duyệt. “Điều đó có nghĩa là dòng tiền thanh toán qua hình thức này chưa chính thống. Một loạt các quy định của ngân hàng liên quan đến thu, chi đối với hình thức thanh toán này cho nhà cung cấp dịch vụ cũng cần hoàn thiện”, ông Tâm nêu.

Tạo quy trình khép kín trong việc trả tiền qua tài khoản

Cũng theo ông Võ Anh Tâm, để tài khoản thu phí điện tử thanh toán cho nhiều dịch vụ, Chính phủ cần cho phép tài khoản giao thông như một ví điện tử thanh toán qua ngân hàng và được phép thanh toán các dịch vụ khác. Bên cạnh đó, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng mobilemoney (tiền di động), tài khoản giao thông kết hợp với tài khoản mobile thành một thẻ thanh toán đa dịch vụ. Khách hàng nộp vào tài khoản số tiến nhất định và sử dụng thẻ để thanh toán.

Đề cập đến cách thức thu hút chủ phương tiện sử dụng dịch vụ, ông Tâm cho rằng, hành vi người dùng thay đổi theo thời gian, nếu thấy tiện ích họ sẽ tự thay đổi. Nhà cung cấp dịch vụ cần có chính sách khuyến khích như có chính sách giảm giá, khuyến mại; bắt buộc các điểm phát triển thẻ phải phát triển đồng bộ.

“Chẳng hạn ngành Công an phải mở hệ thống xử phạt cho phép kết nối với tài khoản giao thông. Qua mã QR code hay ID của tài khoản có thể trừ tiền trực tiếp trong tài khoản giao thông của người vi phạm”, ông Tâm nói.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch triển khai hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt trong giao thông. Hiện, Bộ GTVT đã làm chủ được dữ liệu về phương tiện, người điều khiển phương tiện với nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác. Đối với các nội dung liên quan đến dịch vụ, Bộ sẽ phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ về thanh toán và hệ thống ngân hàng triển khai thí điểm từng nhóm dịch vụ, sau đó sẽ tổng kết nhân rộng.

Cũng theo ông Tùng, Bộ GTVT sẽ có lộ trình triển khai cụ thể, đảm bảo theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược theo hướng dùng tài khoản giao thông để thanh toán chung trong giao thông.

“Thanh toán nhiều dịch vụ giao thông bằng một tài khoản sẽ tạo quy trình khép kín trong việc trả tiền qua tài khoản ngân hàng đối với những khoản như phí qua trạm, phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, mua xăng và các dịch vụ khác liên quan đến xe ô tô. Nộp phạt vi phạm giao thông cũng được trừ qua tài khoản này”, ông Tùng nói và cho biết thêm, bản chất của việc dùng chung tài khoản trong giao thông sẽ gắn với phương tiện và doanh nghiệp. Định danh tài khoản sẽ được gắn với phương tiện.

Khi một phương tiện ô tô đi qua làn thu phí, bãi đỗ lập tức phương tiện đó được định danh và trừ tiền trong tài khoản giao thông mà không phải thanh toán bằng tiền mặt. Trong tương lai các dịch vụ khác như đổ xăng hay các dịch vụ liên quan đến phương tiện cũng sẽ được định danh bằng tài khoản sử dụng cho tất cả các dịch vụ liên quan đến giao thông.

Minh bạch, chống tiêu cực

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đề xuất này hoàn toàn khả thi, phù hợp với chủ trương là khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt để minh bạch, chống tham nhũng, thất thoát thông qua việc mở tài khoản. Quy định này không những có tác dụng răn đe đối với người vi phạm mà còn góp phần minh bạch, chống tiêu cực đối với lực lượng thực thi pháp luật. Để đảm bảo áp dụng mô hình này rộng rãi trên toàn quốc, trước hết nên áp dụng thí điểm đối với một nhóm dịch vụ tại một số địa phương đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.