Tranh cướp, xô xát tại lễ hội cướp phết ở Lập Thạch |
Mùa lễ hội 2016, ngành Văn hóa đã tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội nhưng vẫn còn những mặt phản cảm xảy ra như: Tranh cướp, xô xát tại lễ hội cướp phết ở Lập Thạch, chọc ghẹo thiếu nữ ở hội kéo vợ Gầu Tào....
Giảm bạo lực nhưng vẫn còn tranh cướp
Mùa lễ hội 2016 vừa bắt đầu, những lễ hội bạo lực đã giảm như: Tục chém lợn rùng rợn tổ chức cho toàn dân xem ở làng Ném Thượng đã được thay thế trong phòng kín, chỉ có một số bô lão trong làng và cán bộ địa phương chứng kiến. Lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng đã bị cấm tổ chức.
Giảm bạo lực nhưng những hình ảnh chưa đẹp như: Đánh nhau, tranh cướp lộc... ở các lễ hội vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Năm nay, lực lượng an ninh được tăng cường nhằm bảo vệ an toàn cho lễ hội Đền Gióng, Hà Nội (13/2, mùng 6 Tết). Theo ghi nhận, tình trạng hỗn loạn cướp lộc hoa tre và lộc trầu cau vẫn diễn ra. Mặc dù vậy, nạn hỗn chiến giữa thanh niên cướp lộc với những người bảo vệ kiệu đã không còn.
Nhiều hình ảnh không đẹp đã xảy ra tại lễ hội cướp phết ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) chiều 14/2 khi hàng trăm thanh niên dùng cả gậy gộc lẫn cú đấm để đánh nhau.
Hội kéo vợ Gầu Tào ở xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai diễn ra từ mùng 4 - 6 Tết, cũng khiến nhiều người bức xúc khi bị một số thanh niên lạm dụng, chọc ghẹo phụ nữ làm cho ý nghĩa tốt đẹp của tập tục này ít nhiều bị giảm sút. Nhiều cô gái phải gào khóc giữa sự giằng kéo của các chàng trai. Nhiều cô gái tơi tả, mệt mỏi và phải nhờ sự can thiệp của người thân, mới thoát khỏi cuộc kéo vợ.
Bên cạnh đó, không ít hình ảnh phản cảm đi lễ chùa đầu năm được dư luận lên án. Nhiều hình ảnh thiếu nữ “mặc như không” ở trong khuôn viên của chùa đã vấp phải không ít sự chỉ trích của cư dân mạng.
Cho dân tự quản lễ hội
PGS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật VN cho biết, so với những năm trước, mùa lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến hơn về khâu tổ chức, quản lý. Một số các lễ hội trước đây bị dư luận lên án năm nay đã có những tháo gỡ ở các phạm vi khác nhau. Ví dụ Lễ hội chém lợn năm nay đã được quây lại ở không gian kín đáo hơn, giảm đi những phản cảm; Không tổ chức lễ hội chọi trâu...
Cũng theo PGS.TS. Bùi Quang Thanh, lễ hội là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng, không tùy tiện thay đổi được vì bỏ đi cái gì, tiếp thu cái gì do nhận thức cộng đồng quyết định. Gần đây, mặc dù có sự nỗ lực trong khâu quản lý và tổ chức lễ hội nhưng vẫn nên quảng bá giới thiệu giá trị của từng lễ hội, để mọi người có thể nhận thức được ý nghĩa của từng lễ hội, nhất là với giới trẻ.
Hơn nữa, cần có lớp tổ chức tập huấn cho đội ngũ quản lý để bổ sung cho họ những nhận thức mới về điều kiện xã hội lịch sử văn hóa hiện đại.
Tuy nhiên, PGS.TS. Bùi Quang Thanh cho rằng, quản lý lễ hội đừng nghĩ chỉ là việc của người quản lý văn hóa mà đây là việc chung của xã hội nên rất cần sự vào cuộc của lực lượng liên ngành địa phương” PGS.TS. Bùi Quang Thanh nói.
Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tình trạng lễ hội hỗn loạn hiện nay có một phần nguyên nhân do lịch sử để lại. Một thời kỳ dài chúng ta không thừa nhận tín ngưỡng, đã xóa sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa kia mà ông cha để lại. Hậu quả là đến tận bây giờ, nhiều người thiếu kiến thức về tín ngưỡng, nên mới gây ra sự hỗn loạn và xung đột trong lễ hội. Không chỉ người dân, ngay cả một số quan chức văn hóa hiện nay cũng không có kiến thức về tín ngưỡng. Nhiều người “lao vào đời sống tín ngưỡng” như con thiêu thân. Nhưng bi kịch là họ không biết đến chỗ nào để xin cái gì, thậm chí không tìm hiểu xem nơi đó thờ ai, có ý nghĩa, lịch sử thế nào.
GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, khi không gian lễ hội không còn linh thiêng nữa thì tính bạo lực trong lễ hội gia tăng là điều tất yếu. Hơn nữa, hiện nay ở các nơi, chính quyền địa phương đứng ra tổ chức, quản lý còn người dân đứng ngoài lễ hội đó. Vì thế, chính quyền cần trả lễ hội về cho người dân tự tổ chức, quản lý.
Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn Bộ VH, TT&DL cho biết, từ ngày 16/2 - 31/3, các Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng và các Thứ trưởng làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước theo kế hoạch và có những đoàn kiểm tra đột xuất (không theo kế hoạch) nhằm đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH, TT&DL về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, tổ chức hoạt động lễ hội. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận