Hiện ở Việt Nam diễn viên múa ballet chỉ khoảng 50 người |
Trong khi các nước phát triển có những vở múa ballet kinh điển, đội ngũ diễn viên hoành tráng lên đến cả trăm, thì ở Việt Nam chỉ có khoảng 50 diễn viên múa ballet chuyên nghiệp. Thế nên, ballet Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn trích đoạn ballet hay những màn tiêu biểu trong vở diễn. Các diễn viên múa ballet, họ đã đi đâu?
Theo ballet, khổ và khó
Ballet Việt Nam đã từng có thời kỳ hoàng kim, đến đầu những năm 2000, Việt Nam vẫn còn nhúc nhắc một vài vở kinh điển như: Kẹp hạt dẻ, Romeo và Juliet, Gió mùa… Thế nhưng gần 10 năm nay, ballet gần như không còn tồn tại trong đời sống nghệ thuật tại Việt Nam. Biên đạo múa Tuyết Minh, người đã từng là solist cho nhiều vở diễn ballet tại Nhà hát Nhạc vũ kịch VN cho biết: “Ở nước ngoài, ballet phát triển rất mạnh, nhất là balllet đương đại, nhưng ở Việt Nam ngược lại, chỉ quẩn quanh diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, diễn chương trình tổng thể, trích đoạn ballet, những màn tiêu biểu trong vở diễn. Số lượng diễn viên múa ballet hiện nay ngày càng hiếm, không có đội ngũ diễn viên hoành tráng cũng bởi các diễn viên múa ngại theo ngạch này, vì đã khổ lại còn khó”.
Chỉ nhìn vào Trường Cao đẳng múa Việt Nam năm 2015 đào tạo một lớp múa ballet khoảng 20-25 học sinh khóa 6 năm, các em sau khi tốt nghiệp một số rất ít ỏi về hai đoàn ballet tại Nhà hát Vũ kịch TP HCM và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. “Hầu hết, các em chuyển sang các đoàn dân tộc được biểu diễn nhiều, được đi nước ngoài nhiều, chạy show nhiều đảm bảo đời sống, bớt dần theo ballet”, nghệ sĩ Tuyết Minh cho biết thêm.
Theo lời bà Chu Thúy Quỳnh, NSND, Chủ tịch Hội Múa Việt Nam cho hay, hiện tại ở Việt Nam diễn viên múa ballet khoảng 50 người. Theo thông tin từ Phó giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cả đoàn múa ballet tổng cộng 30 người. Trong đó chỉ có một diễn viên nữ, một diễn viên nam chính, bốn diễn viên chính phụ còn lại là 24 diễn viên phụ. NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ: “Sống với ballet phải có đam mê và sự hy sinh. Trong cuộc đua với cơm áo, gạo tiền, nhiều nghệ sĩ đã phải thỏa hiệp, chuyển sang múa hiện đại, hip hop để kiếm sống. Nhiều người bỏ ngang nghề múa đi làm công việc khác. Nhân tài múa vốn đã thiếu, múa ballet lại càng hiếm vì cuộc sống mưu sinh lấn dần những đam mê”.
Nghề cực khổ, ưu đãi bằng không
“Bây giờ ít có người đủ tình yêu và đam mê để bền bỉ với ballet. Lương tháng của tôi ở nhà hát mỗi tháng hơn 3 triệu đồng, cộng thêm tiền bồi dưỡng luyện tập 1-2 triệu đồng. Cuộc sống rất vất vả. Nếu không vì tình yêu và đam mê thì khó mà trụ được”, đó là tâm sự rất thật của một nghệ sĩ có danh tiếng trong làng múa ballet chia sẻ với chúng tôi.
Nghệ sĩ vốn đã sống chật vật bằng nghề, nghệ sĩ ballet lại càng không có đất sống. Họ phải xoay ra làm đủ việc mà chuẩn mực của ballet có những đòi hỏi khá khắc nghiệt về hình thể, phong cách. Trong khi đó, nếu xét về độ khó của các loại hình nghệ thuật, có lẽ không một bộ môn nào đòi hỏi diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn khắt khe như múa ballet. Để trở thành diễn viên chuyên nghiệp phải có một thời gian dài học múa với chế độ tập luyện, ăn uống khắc nghiệt. Xét về quá trình đào tạo, để có thể làm được nghề, được đứng trên sân khấu, các vũ công ballet rèn luyện nhọc nhằn hơn rất nhiều so với những minh tinh hay ngôi sao ca nhạc.
Năm 2015, có ba nghệ sĩ múa được nhận danh hiệu NSƯT khi tròn 30 tuổi, đó là Linh Nga, Tạ Thùy Chi và Đàm Hàn Giang. Trong đó, chỉ có anh Đàm Hàn Giang là diễn viên múa ballet hiện đang công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Ở tuổi 30, Đàm Hàn Giang đã có hơn 20 năm gắn bó với môn nghệ thuật múa ballet. |
Các nghệ sĩ thường bắt đầu theo học múa ballet vào tuổi 8 - 13, hoặc lớn hơn một chút 17 - 18. Ballet đòi hỏi sự chuẩn mực và tính thẩm mỹ cao độ. Giờ làm việc của nghệ sĩ ballet kéo dài, hiếm có thời gian nghỉ ngơi. Những vết thương khi luyện tập, biểu diễn có khả năng khiến họ mất nghề, tàn tật nhưng hầu như chế độ đãi ngộ, đền bù chưa tương xứng. “Nếu như vận động viên thể thao có thể ăn uống đủ chất để bù vào lượng calo đã tiêu tốn, tôi lại không dám ăn thoải mái, không dám ăn món mình thèm. Cơ thể tôi rất dễ tăng cân nên tôi luôn phải cân nhắc trước khi ăn uống để giữ form”, nghệ sĩ này cho hay.
Cùng đó, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, các cuộc thi múa tại Việt Nam không phân chia các dòng múa để thi. Múa ballet thi chung với múa đương đại, múa dân gian. Chính vì thế, ở nhiều cuộc thi, Ban giám khảo chấm thi không có nhiều hiểu biết về ballet, do đó các nghệ sĩ múa ballet ít được giải thưởng. Chính vì vậy, nhiều nghệ sĩ múa ballet tài năng đã không có huy chương để xét danh hiệu NSƯT, NSND.
>>> Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận