Thị trường

Mua bán USD trái phép nhộn nhịp bất chấp lệnh cấm

13/12/2016, 10:03

Bất chấp quy định cấm bán ngoại tệ, hoạt động này vẫn diễn ra phổ biến tại hầu hết các điểm thu đổi...

5

Mua bán USD trái phép nhộn nhịp bất chấp lệnh cấm - Ảnh minh họa

Những ngày giá USD biến động mạnh vừa qua, giao dịch ngoại tệ trái phép càng sôi động. 

Mua ngoại tệ: muốn bao nhiêu cũng có

Những ngày vừa qua, giá USD liên tục tăng ở cả thị trường chính thức và phi chính thức. Cùng đó, giao dịch trái phép đồng bạc xanh này càng “nóng”, bất chấp quy định cấm mua - bán của Ngân hàng Nhà nước.

Khảo sát tại TP.HCM ngày 12/12, giá USD mua vào 23.200 đồng/USD, bán ra 23.380 đồng/USD. Một tiệm vàng tại Q.1 cho biết, nếu bán USD để mua vàng thì giá mua vào sẽ cao hơn một chút.

Trong vai người đi mua USD, PV Báo Giao thông đến khu phố vàng ở Q.5. Tại đây, các chủ tiệm vàng đều sẵn sàng bán ngoại tệ. Thậm chí, một chủ tiệm vàng khẳng định, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Kinh doanh ngoại hối trái phép có thể bị phạt đến 70 triệu đồng

Theo Khoản 3, Điều 18, Nghị định 202/2004, hành vi mua, bán, thanh toán, cho vay ngoại tệ hoặc niêm yết giá bằng ngoại tệ không đúng quy định có thể bị xử phạt VPHC từ 5 đến 12 triệu đồng. Thậm chí, theo khoản 5 điều này, hoạt động kinh doanh ngoại hối trái phép còn có thể bị phạt tiền từ 45 đến 70 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tịch thu số ngoại tệ hoặc vàng vi phạm. Tuy nhiên, theo thông tin Báo Giao thông nắm được, số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử phạt trong lĩnh vực này khá hiếm hoi.

USD ngân hàng tiếp tục giảm mạnh

Đầu tuần, giá USD tại các ngân hàng tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, chiều cùng ngày, Vietcombank niêm yết giá USD 22.580-22.650 đồng/USD, giảm 15 đồng cả hai chiều; BIDV cũng niêm yết giá USD 22.580-22.660 đồng/USD, giảm 10 đồng; Vietinbank cũng giảm 35-25 đồng/USD hai chiều về 22.605-22.685 đồng/USD mua vào và bán ra... Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày 12/12 lại tăng 8 đồng so với cuối tuần trước lên 22.125 đồng/USD. Với biên độ +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng trong ngày là 22.788 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.462 đồng/USD.

Tại Hà Nội, một trong những tụ điểm giao dịch ngoại tệ có tiếng nhất là phố Hà Trung (Quận Hoàn Kiếm), trong đó cơ sở “có số má” là cửa hàng Q.T. Dù khoác áo công ty vàng bạc, song hầu hết khách hàng đến đây đều để mua bán ngoại tệ. Điểm giao dịch chưa đầy 20m2 của Q.T lúc nào cũng nườm nượp khách, những ngày này còn phải xếp hàng chờ tới lượt. Theo quy định, các điểm thu đổi ngoại tệ như Q.T chỉ được mua vào, không được bán ra, song giao dịch hai chiều vẫn diễn ra gần như công khai tại đây, không chỉ với đồng USD mà còn nhiều loại ngoại tệ khác, như: Euro, SGD (đô la Singapore), JPY (Yên Nhật), THB (Baht Thái), Rub (Rúp Nga)...

Chị Hoàng Linh Thu (Cầu Giấy) cho biết, để chuẩn bị du lịch Thái Lan, chị đã tới Q.T để mua baht Thái. Sau khi thông báo muốn đổi 37 triệu đồng sang loại ngoại tệ này, chị Thu được nhân viên dẫn vào phía trong nhà. Tại đây, nhân viên của Q.T dùng máy tính điện tử chia số tiền 37 triệu đồng cho tỷ giá đồng baht hiện tại rồi viết tay giá trị giao dịch ra một mẩu giấy. Chị Thu chuyển đủ 37 triệu xong là đã có nhân viên khác mang đủ tiền Baht ra cho chị. “Mọi thứ rất thuận tiện. Thậm chí, không cần phải chờ tới 5 phút”, chị Thu nói và cho biết thêm, không cần phải trình bất cứ loại giấy tờ gì như chứng minh thư, hộ chiếu hay vé máy bay…  

Khảo sát của PV Báo Giao thông cho thấy, hầu hết các cửa hàng vàng bạc khác trên phố này đều tổ chức kinh doanh ngoại tệ trái phép với cách thức tương tự, thậm chí nhiều nơi giao dịch mua - bán được thực hiện tại chỗ mà không phải “chia phòng” như ở Q.T.

Đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều cửa hàng vàng bạc trên địa bàn TP, như khu vực phố Trần Nhân Tông, Hàng Bông, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy... Trong vai một người đi công tác Singapore cần mua 15.000 SGD, PV Báo Giao thông đến cửa hàng vàng bạc H.S trên phố Xuân Thủy, Cầu Giấy. Giao dịch này của PV cũng được thực hiện trong căn phòng nhỏ ngay lối lên cầu thang, trong vòng chưa đầy 10 phút. Nhân viên giao dịch tại đây cho biết, khách cần cả trăm nghìn SGD cũng được đáp ứng, nhưng dặn dò, để đỡ mất công chờ đợi thì nên điện thoại cho cửa hàng trước khi đến.

6
Bất chấp quy định cấm, nhiều cửa hàng vàng bạc vẫn bán ngoại tệ ra cho khách hàng cá nhân - Ảnh minh họa.

Vi phạm bị xử lý rất nặng?

Theo tìm hiểu của PV, nếu khách có nhu cầu mua - bán ngoại tệ số lượng từ 10.000 USD trở lên có thể còn được phục vụ tận nhà. Chị Mai Thu Trang, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội thấy giá USD tăng nóng, giá vàng lại giảm nên muốn bán ra 18.000 USD lấy tiền mua vàng. Biết nhu cầu của chị Trang, nhân viên tại một điểm giao dịch vàng miếng có tiếng trên phố Xã Đàn (Hà Nội) nhanh chóng gọi điện cho một “đầu mối” mua USD quen giới thiệu. Người này cho biết sẵn sàng trả giá cao hơn niêm yết của ngân hàng 10 đồng/USD và chỉ 20 phút sau đã mang tiền mặt tới trả chị Trang như giá thỏa thuận.

Không chỉ với đồng USD, chị Nguyễn Anh Thư (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, chiều 12/12 đã liên hệ với một điểm đổi ngoại tệ cũng tại Hà Trung để đổi gần 50 triệu đồng sang yên Nhật (JPY) và được nhân viên tại đây xác nhận sẵn sàng mang tới nhà. Tuy nhiên, theo chị Thư, so với tỷ giá niêm yết tại Vietcombank cùng ngày thì yên Nhật tại Hà Trung (200,4 đồng/JPY) ngày 12/12 cao hơn 6,83 đồng. Mặc dù vậy, chị Thư chấp nhận do sự thuận tiện và mức chênh hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, chỉ những ngân hàng và các đại lý của ngân hàng có đăng ký địa chỉ rõ ràng mới được cấp phép thu mua ngoại tệ. “Ngân hàng được phép mua vào, bán ra. Nhưng với đại lý của ngân hàng chỉ được phép mua vào, sau đó bán cho đúng ngân hàng mà thôi. Nghĩa là đại lý không được bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên đi kiểm tra, và tình trạng bán USD vẫn còn xảy ra. Những trường hợp vi phạm này bị xử lý rất nặng”, ông Minh khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.