7 nhóm loại hành vi vi phạm
Phát biểu tại phiên thảo luận, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong Luật Kiểm toán Nhà nước, đơn vị được kiểm toán là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đây chủ yếu là các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn
Vì vậy, việc phân định hành vi vi phạm nào là hành vi phát sinh từ công vụ, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan Nhà nước để từ đó loại trừ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh trong thực tiễn là điều quan trọng và cần thiết.
Về hình thức xử phạt, căn cứ quy định của Luật Xử lý Vi phạm hành chính thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính bao gồm phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước của cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng.
Pháp lệnh đã chia ra 7 nhóm loại hành vi vi phạm (là các hành vi phổ biến, xảy ra thường xuyên trên thực tế) tương ứng với đó là hình thức, mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả, gồm: Hành vi vi phạm các quy định về gửi báo cáo định kỳ; Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán.
Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán; Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán; Hành vi mua chuộc, hối lộ thành viên đoàn kiểm toán, cản trở công việc của Kiểm toán Nhà nước.
Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán; Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Toàn cảnh phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Cản trở công việc của kKiểm toán có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng
Với mỗi hành vi vi phạm sẽ tương ứng với mức phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể. Như mức phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi từ chối gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.
Hay như hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán có thể bị phạt tiền đến 40 triệu đồng.
Với hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán Nhà nước thì mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền sẽ buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ.
Thẩm tra dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị chỉnh lý kỹ thuật văn bản để bảo đảm rõ ràng, chính xác hơn.
Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc nộp lại số tiền tương ứng với số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác đã đưa hoặc sẽ đưa để mua chuộc, hối lộ các thành viên đoàn kiểm toán".
Liên quan đến ý kiến của Chính phủ về dự án Pháp lệnh đề nghị chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 theo hướng "Mua chuộc, đưa hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2 triệu đồng cho thành viên đoàn kiểm toán" nhằm bảo đảm phân định rõ ranh giới giữa truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua chuộc, đưa hối lộ. Về vấn đề này, sau khi trao đổi, thảo luận, Ủy ban Pháp luật, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan nhất trí tiếp thu ý kiến của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận