Tư vấn mùa dịch

Mua giấy đi đường để đi lại khi giãn cách bị xử lý thế nào?

18/08/2021, 08:38

Đã xuất hiện giấy đi đường được mua trên mạng, trong tiệm cầm đồ... để thoải mái đi lại trong giãn cách xã hội. Hành vi này bị xử lý ra sao?

Hỏi:

Gần đây, báo chí có thông tin việc cơ quan chức năng phát hiện ra giấy đi đường giả, giấy đi đường được mua trên mạng, trong tiệm cầm đồ... để thoải mái đi lại trong giãn cách xã hội. Xin hỏi, người mua và sử dụng giấy đi đường giả có bị xử phạt không, mức phạt thế nào?

Trần Thu Thảo (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

img

Kiểm tra giấy đi đường của người dân (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Đối chiếu với các văn bản, quy định hiện hành, có thể hiểu: Giấy đi đường đúng quy định phải được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hoặc UBND xã, phường, thị trấn cấp hoặc xác nhận.

Con dấu, chữ ký tại Giấy đi đường là con dấu thật, chữ ký thật của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó...

Giấy đi đường chỉ được cấp cho đúng đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức đó) và sử dụng đúng mục đích (chỉ được dùng để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc hoặc nhằm thực hiện công việc chuyên môn được giao).

Tại một số địa phương như Hà Nội, còn quy định giấy đi đường phải đúng theo mẫu do UBND thành phố ban hành và điền đầy đủ thông tin.

Một số địa bàn cũng có thêm quy định giấy đi đường phải kèm lịch trực, văn bản phân công công tác... Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, hậu kiểm tra việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp giấy đi đường có đúng quy định hay không.

Ai cố tình dùng giấy tờ đi đường giả, mua giấy đi đường giả để sử dụng, kể cả dùng giấy đi đường cấp sai quy định, sẽ bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Mức phạt này căn cứ theo Nghị định 117/2020, là 5-10 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng con dấu, hoặc giấy tờ đi đường giả với mục đích gian dối với cơ quan chức năng hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác có thể bị xử lý về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, quy định tại Bộ luật Hình sự.

Cá nhân làm giả giấy đi đường, mua bán thu lợi bất chính là phạm tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên, làm giả từ 2 - 5 con dấu, tài liệu; thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng, khung hình phạt từ 2 - 5 năm tù. Trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu, giấy tờ giả trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 3 - 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng.

Còn nếu cơ quan, đơn vị cấp giấy đi đường không đúng đối tượng, cấp sai mục đích, có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo Nghị định 117. Mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.

Luật sư Đặng Văn Cường
Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.