Người tiêu dùng cần tỉnh táo, thận trọng khi mua hàng qua các phương thức bán hàng gián tiếp, trong đó có kênh bán hàng qua truyền hình, tránh “tiền mất, tật mang”. Ảnh minh họa |
Giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, việc mua hàng qua truyền hình ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là những người làm nội trợ thường quanh quẩn trong bốn “bức tường” và phương tiện học hỏi hay giải trí chủ yếu là chiếc tivi.
Song, cũng chính phương thức mua hàng gián tiếp - vốn nhiều ưu việt lại bị không ít doanh nghiệp triệt để lợi dụng, do người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp cũng như thử trải nghiệm sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng. Do vậy, phần lớn hàng hóa bán qua đây đã bị thổi phồng về chất lượng, kèm đó là thổi phồng về giá cả, thậm chí không ít vụ việc trở thành lừa đảo khách hàng. Phương thức bán hàng gián tiếp cũng khiến nhiều người tiêu dùng khó khăn trong việc phản hồi, yêu cầu quyền lợi hay truy vấn trách nhiệm đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Cũng chính vì vậy mà nhiều người tiêu dùng, sau khi lỡ mua phải sản phẩm kém chất lượng cũng đành “ngậm bồ hòn” và cách tự bảo vệ mình duy nhất là từ bỏ mua hàng qua kênh cung cấp này.
Công nghệ phát triển tạo điều kiện thúc đẩy nhiều phương thức bán hàng mới. Thậm chí, mỗi cá nhân hoàn toàn có thể tự tạo không gian giao tiếp, bán hàng hóa, sản phẩm của mình trên internet ở nhiều địa chỉ web, tài khoản mạng xã hội… Tuy nhiên, những kênh bán hàng nói trên không dễ thu hút khách hàng như qua truyền hình bởi phần lớn người tiêu dùng đều coi các chương trình truyền hình là sản phẩm báo chí với đặc thù nổi bật là chính xác, khách quan. Vì lẽ đó, các sản phẩm bán qua truyền hình thường được tin tưởng về giá cả, chất lượng với tâm lý đã được nhà đài kiểm định, quản lý, giám sát. Trong khi trên thực tế, nhiều chương trình truyền hình đơn thuần là sản phẩm giải trí hay dịch vụ quảng cáo, bán hàng đơn thuần. Thậm chí, để thu hút doanh nghiệp, phía cung cấp dịch vụ truyền hình còn hỗ trợ đối tác sản xuất những clip quảng cáo sao cho hấp dẫn nhất, bất kể nhiều tính năng, giá trị đã bị thổi phồng so với thực tế.
Mặc dù đã có nhiều vụ việc người tiêu dùng bức xúc, tố cáo đến các đơn vị chức năng (như Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương hay Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), song chưa có trường hợp sai phạm bán hàng qua truyền hình nào bị phát hiện, xử lý tới nơi tới chốn thời gian qua. Đây cũng là lý do khiến nhiều sản phẩm bán trên truyền hình tiếp tục bị thả nổi về chất lượng, giá cả.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần rà soát, điều chỉnh các quy định về bán hàng trên truyền hình cũng như các phương thức bán hàng mới khác để tăng ràng buộc, trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ với sản phẩm chào bán, ngăn ngừa doanh nghiệp trục lợi trên lòng tin của người xem truyền hình. Còn người tiêu dùng, cách tốt nhất là cần tỉnh táo, thận trọng khi mua hàng qua các phương thức bán hàng gián tiếp, trong đó có kênh bán hàng qua truyền hình, tránh “tiền mất, tật mang”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận