Xã hội

Mưa lũ bủa vây, ít nhất 50 người chết, mất tích

12/10/2017, 06:35

Mưa lớn liên tiếp khiến nhiều địa phương phía Bắc và Bắc Miền Trung ngập trong nước, giao thông chia cắt...

1

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đưa một bé gái ra khỏi vùng ngập lụt tại huyện Thường Xuân - Ảnh: Phúc Tuấn

10 năm nay mới thấy lũ lớn thế này

Có nhà nằm sát cạnh QL47 - nơi mép nước lũ dâng cao, anh Lê Xuân Văn (44 tuổi, ở thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết: Từ tối 10/10, nước bắt đầu dâng lên ra cánh đồng, đến 3-5h sáng 11/10, nước đã ngập trắng một vùng. Hơn 10 năm nay mới thấy nước lũ dâng cao như vậy.

Tại khu vực tiếp ứng cứu hộ cứu nạn, mặc dù trời mưa to, nước càng ngày càng dâng cao, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Thanh Hóa dùng ca nô vào khu vực ngập lụt đưa người dân cùng tài sản ra ngoài. Đang cầm trên tay mấy viên thuốc cảm và xoa dầu gió, Trung tá Đỗ Văn Yên, Cảnh sát PCCC Thanh Hóa cho biết, từ sáng tới giờ anh em dầm mưa lạnh người, chỉ có lương khô với bánh gạo và nước khoáng. Vì bên trong, bà con còn kẹt lại nên chúng tôi còn ứng trực 24/24h.

Tính đến 17h chiều 11/10, Thanh Hóa đã có 8 người thiệt mạng do mưa lũ. Gần 500 nhà dân bị ngập sâu trong nước; 120 ha lúa, hơn 3.000 ha ngô và hơn 4.000 ha rau màu bị ngập; diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị ngập hơn 800 ha.

2

Anh Nguyễn Văn Hùng (thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) dùng bè tạm để di chuyển gia súc

Công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai

Chiều 11/10, trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nhiều xã của huyện Đà Bắc bị cô lập. Thống kê sơ bộ, Đà Bắc đã có 7 người chết, thiệt hại về tài sản chưa thống kê được do mất thông tin liên lạc, nhưng sẽ rất lớn.

Ông Bùi Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Suối Nánh cho hay, suốt 3 ngày vừa qua, mưa như trút nước xuống các xã vùng cao của huyện Đà Bắc. Tỉnh lộ 33 lên huyện Đà Bắc và các xã vùng cao đều bị chia cắt nghiêm trọng. Tất cả các phương tiện đều bị ách tắc, không thể di chuyển. Phương tiện đi lại duy nhất lên các xã vùng cao của huyện đều bằng thuyền.

Không chỉ ở Đà Bắc, toàn bộ các tuyến đường giao thông ở Hòa Bình đều chìm trong nước. Ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình thông tin, các tuyến đường tỉnh trên địa bàn đã tê liệt hoàn toàn vì ngập. Tuyến QL6 bị ngập nhưng xe ô tô vẫn có thể tham gia giao thông, tuy nhiên cần thận trọng với những điểm bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Trên QL21, sạt lở gây tắc ở Ba Hàng Đồi (thị trấn Thanh Hà, huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Trên QL70B có cầu cứng bị xói lở, nước ngập nên hiện đang đứt cầu và đường.

Hiện, Hòa Bình có 9 người chết và mất tích do mưa lũ. Trước diễn biến nghiêm trọng của mưa lũ, sáng 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn.

Sập cầu, đứt đường

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, đến 18h tối 11/10, mữa lũ làm 15 người chết và mất tích. Hàng chục ngôi nhà bị sập đổ, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, 1 trường học bị hư hỏng và 2 cầu treo bị cuốn trôi tại xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu)… Đặc biệt, tại Nghĩa Lộ, cầu Thia cũ bị sập khoảng 12h trưa 11/10 khiến một số người bị dòng nước lũ cuốn trôi.

Ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, mưa lũ đã khiến nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn bị sạt lở, ngập úng, giao thông ách tắc. Cụ thể, tại đường tỉnh 174 đoạn từ Km17 - Km28 đi Trạm Tấu bị sạt lở taluy dương gây tắc đường. Tại vị trí Km21+600 bị đứt đường 20m khiến giao thông tê liệt. Tại đường tỉnh 175, Km17 qua ngầm tràn bị ngập sâu, các phương tiện không thể lưu thông. Đồng thời, khiến xã Mỏ Vàng (huyện Văn Yên) bị cô lập hoàn toàn. Tại xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu), đường địa phương của xã bị sạt, hư hỏng cũng khiến xã này bị cô lập.

Đặc biệt, tại QL32 đoạn qua đèo Khau Phạ từ Km 264 + 274 khu vực đèo Khau Phạ bị sạt ta luy dương, ước tính khối lượng 18.000m3 đất đá/ 30 vị trí sạt lở.

Tại Sơn La, đến 16h chiều 11/10, mưa lũ đã làm 5 người chết, 3 người mất tích, 3 người bị thương. Về giao thông, mưa lũ đã làm sạt lở tỉnh lộ 101, 102. Tại huyện Vân Hồ, 5 xã đang bị cô lập là: Song Khủa, Liên Hòa, Suối Bàng, Chiềng Yên, Mường Men. Tại huyện Phù Yên, hệ thống giao thông đến 6 xã vùng Mường của huyện cũng bị cô lập hoàn toàn. 

Tính đến chiều 11/10, toàn tỉnh Nghệ An đã có 8 người tử vong và mất tích do mưa lũ. Trên các tuyến quốc lộ 15A, 48B, 48D, 48E bị ngập sâu khoảng 1m, còn QL15, 16, 48 bị sạt lở, đất đá vùi lấp đường, hàng chục khe tràn bị ngập, cuốn trôi, khiến giao thông nhiều tuyến bị tê liệt.

Ông Phan Hải Châu, Phó giám đốc Ban QLDA vốn sự nghiệp kinh tế giao thông Nghệ An cho biết: 4 tuyến đường tỉnh có các điểm bị ngập chia cắt, 13 tuyến khác có xảy ra sạt lở và hư hỏng cống.

Tại Hà Tĩnh, do ngày 11/10 nước đã rút dần, tình trạng chia cắt chỉ còn xảy ra ở 1 số điểm nhỏ lẻ cục bộ, như huyện Vũ Quang hiện vẫn còn 17 thôn của 5 xã với 1.500 hộ dân bị ngập cục bộ, 13 trường học vẫn phải đóng cửa vì nước ngâp. Huyện Hương Sơn còn 6 xã bị nước ngập, chia cách; 10 trường học với khoảng 3 ngàn học sinh chưa thể lên lớp vì trường lớp bị ngập…

Bộ GTVT vừa có Công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Tổng công ty Đường sắt VN; Cục Đường sắt VN; Sở GTVT Yên Bái; yêu cầu huy động nhân lực, máy móc tham gia khắc phục sự cố sụt ta luy dương ga Lâm Giang - Yên Bái và một số vị trí ở Bắc miền Trung do áp thấp nhiệt đới gây ra. Đồng thời, có kế hoạch giãn tàu, tăng bo chuyển tải hành khách (nếu cần).

Nam Khánh

Hôm qua (11/10), thủy điện Hòa Bình đã phải mở 8 cửa xả lũ sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các đập thủy điện thượng lưu là Lai Châu và Sơn La ngừng phát điện để giảm lưu lượng nước. Đây là đợt xả lũ lịch sử của thủy điện Hòa Bình trong 10 năm qua.

Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17h ngày 11/10, mưa lũ đã làm chết 29 người; mất tích 21 người (Hòa Bình: 5, Yên Bái: 9, Sơn La: 3, Thanh Hóa: 3, Nghệ An: 1). Có 14 người bị thương (Hòa Bình: 7, Thái Bình: 3, Nam Định: 3, Thanh Hóa: 1).

Về tài sản, sập 62 nhà, tốc mái 15 nhà; ngập 6.018 nhà. Đã có 47.250 ha hoa màu, thủy sản bị ngập và hư hại, sập 4 cầu (Sơn La: 2, Yên Bái: 1, Hòa Bình: 1); chết 3.546 gia súc gia cầm. Các địa phương đã phải di dời 7.979 hộ (Nghệ An: 30, Thanh Hóa: 7.402, Yên Bái: 30, Phú Thọ: 268, Nam Định: 119, Hòa Bình: 130).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.