50 tỷ đồng cá tầm mất trắng
Mưa lớn đã khiến trại nuôi cá tầm của gia đình anh Nguyễn Văn Toản (SN 1975, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) phút chốc tan hoang. Trại cá tầm của gia đình anh Toản có khoảng 200 tấn. Trong đó, có 2.000 con cá giống, con nặng nhất lên tới vài chục kg nay đã theo nước lũ thoát ra ngoài hoặc chết không còn con nào. 200 tấn cá tầm lớn nhỏ, nếu bán theo giá hiện nay gia đình anh Nguyễn Văn Toản mất khoảng 40 tỷ đồng.
Ngay khi hay tin trại cá bị vỡ bờ, nhiều người dân trong khu vực đã sử dụng lưới chặn tại các dòng suối để ngăn bắt cá, chở ra Đà Lạt bán. Ban đầu, họ bán với giá 50.000 đồng/kg, sau tăng lên 100.000 đồng/kg, nhưng nhiều người vẫn trực chờ tranh nhau mua. Có những con cá to, nặng đến 9kg. Đa phần cá tầm khi được vớt lên, chở đi bán đều đã chết. Do là giống cá quý, thịt thơm ngon, nhiều người tranh giành, chờ trực cả tiếng đồng hồ để mua được cá. Giá bán cá tầm khi còn sống, tại các điểm nuôi bình quân 300 đến 350.000 đồng/kg. Ước tính lượng cá tầm do người dân chặn bắt được chỉ khoảng 100kg. Như vậy, lượng cá trôi mất là rất lớn.
Anh Toản bàng hoàng kể lại cảnh nước lũ quét qua: “Lúc đó khoảng 4h sáng ngày 8/8, nước từ thượng nguồn suối Đạ Nghịt ầm ầm đổ về, chỉ trong ít phút cả vùng rộng lớn đã chìm nghỉm trong nước. Đê chắn bị phá vỡ, nước tràn vào trang trại cá của gia đình tôi, cuốn trôi hơn một nửa, số còn lại bị sặc nước bùn, chết sạch rồi!..”.
Hoa màu thiệt hại khắp nơi
Những “vựa" rau, hoa lớn ở huyện Lạc Dương tan hoang, ngập trắng khiến ai cũng xót xa.
Anh Hồng Văn Tám (xã Lát, huyện Lạc Dương, mới từ Hà Tĩnh vào Lâm Đồng) cay đắng nói: “Trời mưa suốt từ hôm 6/8, nước lũ lại đổ về trong đêm khiến người dân chúng tôi không kịp trở tay. Toàn bộ 8.000m2 trồng hoa hồng mới được 2 tháng của gia đình tôi giờ đã bị nước nhấn chìm, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Rất may khi thấy nước lũ về tôi đã mang được tủ lạnh, máy giặt và ít đồ đi gửi, không thì cũng ngập, hỏng hết”.
Cách đó không xa, chị Lian (người K’ho, thôn Đan Kia, xã Lát) cũng cho biết, nước lên nhanh khiến người dân không kịp xoay sở, đành nhìn vườn của mình chìm trong biển nước.
“Gia đình tôi có 3.000m2 trồng cà phê, giờ cũng bị ngập hết. Chăm bón cả năm, gần đến lúc thu hoạch rồi mà không được thu thì xót lắm”, chị Lian nói.
Ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, mưa lớn trên diện rộng và kéo dài gây ngập nhiều nơi trên địa bàn huyện, trong đó có hai khu vực bị ngập sâu là thị trấn Lạc Dương và xã Lát. Theo thống kê nước lũ đã làm 200ha rau màu bị ngập chìm trong nước, trong đó có nhiều diện tích rau, hoa và dâu tây sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao bị thiệt hại nặng.
Tại thôn Măng Lin, Phường 7 (TP. Đà Lạt), người dân vẫn chưa hết xót xa khi nhìn những luống hoa cúc đang hoa bị nước lũ làm đổ nghiêng ngả.
Ông Trịnh Quý Trong (chủ một vườn hoa rộng 5.000m2), cho biết: “Khu vườn của gia đình tôi có một nửa đang thu hoạch và một nửa đang ra nụ nhưng đã mất trắng vì mưa lớn mấy ngày qua. Nước dâng cao hơn một mét khiến hoa hỏng hết, còn ngập vào trong nhà. Gia đình tôi gồm 7 người đã kịp thời mở cửa thoát ra ngoài, máy giặt tủ lạnh coi như hỏng hết”.
Ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng phòng Kinh tế TP. Đà Lạt cho hay, tình trạng ngập rau hoa chủ yếu xuất hiện ở xã Tà Nung (khoảng 9ha)... ước tính thiệt hại do mưa lớn từ ngày 5/8 đến 8/8 là hơn 8 tỷ đồng”.
Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn đã gây ngập khoảng 2.400ha lúa, hoa màu của người dân, trong đó có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ riêng tại huyện Lạc Dương, thiệt hại của địa phương khoảng 77 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại về trồng trọt khoảng 17,5 tỷ đồng, thủy sản khoảng 52 tỷ đồng và hạ tầng khoảng 7 tỷ đồng.
Ngoài ra, các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Huoai cũng bị ngập nặng, hơn 1 nghìn ngôi nhà bị ngập nước. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Theo thống kê, đến chiều ngày 9/8, đã có 9 người tử vong vì mưa lũ (Đăk Nông có 4 người, Kon Tum 2 người, Gia Lai 1 người, Đăk Lăk 1 người và Lâm Đồng 1 người).
Ngoài ra, do lượng mưa lớn đổ về đe dọa đến an toàn đập Thủy điện Đăk Kar với dung tích trên 13 triệu m3, tại xã Đăk Ru, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông, giáp ranh tỉnh Bình Phước. Trong lúc, van xả lũ của hồ, đập thủy điện này bị kẹt khiến nước trong những ngày vừa qua không ngừng dâng cao, gây nguy cơ vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng tính mạng khoảng 5.700 người dân các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng. Chính quyền các địa phương các tỉnh trên đã phải cấp tốc thông báo di dời tất cả những hộ dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận