Chỉ trong khoảng 2 tháng, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản |
Đó là con số trong báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, mưa lũ tại Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung diễn ra tại Hà Nội sáng 17/12. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, tình trạng mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; Hơn 316.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại... Tổng thiệt hại ước tính gần 8.600 tỷ đồng.
Trong đó, riêng đợt mưa lũ từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 đã làm 15 người chết, mất tích; Hơn 111.000 ngôi nhà bị ngập nước; hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi và các địa phương vẫn tiếp tục thống kế thiệt hại.
Thống kê cho hay, cùng với đợt mưa lũ này, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ở Việt Nam làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Tại hội nghị, các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ đề nghị Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp. Cụ thể, về lương thực cần hỗ trợ 5.850 tấn gạo và 5 tấn lương khô; Về kinh phí hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi cần khoảng 1.282 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn cần hỗ trợ về giống cây trồng phục vụ sản xuất và 102 tỷ đồng hỗ trợ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo không được để người dân đói, khát và sống cảnh "màn trời chiếu đất" trong mưa lũ |
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương tiếp tục ứng phó, cứu trợ kịp thời khu vực đang chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ, không được để thiệt hại tiếp tục xảy ra. Đảm bảo an toàn cho các hồ đập, các di sản văn hóa tại các địa phương.
Đặc biệt, tập trung cứu dân, tuyệt đối không được để người dân nào đói, khát và bệnh tật.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và địa phương cần huy động được các đoàn thanh niên nơi ít bị ảnh hưởng thiên tai hỗ trợ khu vực đang bị thiệt hại nặng hơn, với các công việc cụ thể như dựng lại nhà cho các hộ dân bị đổ sập, không để người dân nào trong tình trạng “màn trời chiếu đất”.
Ở các địa phương phải đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, an toàn, xử lý ngay các hạ tầng quan trọng bị hư hỏng. Đồng thời, các địa phương cần tập hợp thiệt hại gửi lên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau đó báo cáo lên Chính phủ với những đề xuất cụ thể.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận