Sạt lở trên đèo La Hy (huyện Nam Đông, Thừa Thiên- Huế). Ảnh H.N |
Liên quan đến thông tin 20 người dân ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên- Huế) đi rừng trước đợt mưa lũ vừa qua đến chiều 6/11 vẫn chưa về nhà. Sáng 7/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quốc Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện đã có 9/20 người đã về nhà.
Theo ông Phụng, những người dân nói trên là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu đi lấy mây, săn bắt và một số bà con đi rừng ở trên xa, thường thì khoảng 1 tuần đến 10 ngày mới về.
“20 người dân trên họ mới đi rừng tuần vừa rồi. Bà con ở đây đi rừng có kinh nghiệm nên từ trước đến nay thường không có vấn đề gì. Một số đi rừng gần, vẫn thường xuyên liên lạc về nhà, có người vào rừng sâu không sóng điện thoại nên không liên lạc được”, lãnh đạo UBND huyện Nam Đông nói, đồng thời cho biết: hiện, có 9 người ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật đã về nhà, còn lại 11 người chưa về nhà (Thượng Long 5 người, Hương Hữu 6 người).
“Hiện, chúng tôi đang tiếp tục kiểm tra lại xem những người dân đi rừng chưa về nhà đã về nhà hay chưa…”, ông Phụng cho biết.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế, tính đến 19h ngày 6/11, trong đợt mưa lũ những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có 6 người chết, 3 người mất tích và 3 người bị thương.
Toàn tỉnh có trên 70 nghìn nhà bị ngập lụt từ 0,2- 0,8m. Mưa lũ đã khiến nhiều đoạn tuyến quốc lộ bị ngập, sạt lở nặng. Nhiều tuyến đường đô thị, tỉnh lộ cũng bị ngập sâu. Riêng, tại huyện Nam Đông, mưa lớn đã làm sạt lở đất đường Tỉnh lộ 14B đoạn đèo La Hy 4 địa điểm với chiều dài khoảng 130m; sạt lở đất đường trục xã với chiều dài 30m; sạt lở đất bờ sông, suối với tổng chiều dài 1.550m.
Huyện A Lưới có 6 điểm sạt lở trên tuyến QL 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu. Sạt lở đất đã cô lập 20 người trên đèo Tà Lương từ 15h30 ngày 6/11, UBND huyện đã huy động các lực lượng địa phương ứng cứu, đến khuya cùng ngày, số người gặp nạn đã được giải cứu.
Tại huyện Phú Lộc, khu vực sông Bù Lu (xã Lộc Vĩnh) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m; sạt lở bờ sông Nước ngọt (xã Lộc Thủy) dài khoảng 1.500m, lấn sâu vào gần nhà dân, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến 3 hộ sống gần bờ sông, hiện đã di dời các hộ này đến nơi an toàn; tại vị trí nhà ông Nguyễn Thêm (thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc) bị sạt lở đất, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà và hộ dân này đã được di chuyển đến nơi an toàn; QL1 qua đèo Hải Vân tại Km 897+600 đến 897+800 (huyện Phú Lộc) bị sạt lở đất đá khoảng 70m3, chiếm 1/3 đường…
Sáng 7/11, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, ông Lê Thanh Hướng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La (Thừa Thiên- Huế), cùng với 4 người dân địa phương mắc kẹt trong rừng đoạn ở Khe A Cà nơi thượng nguồn sông Hương đã về đến Trạm Kiểm lâm Tu Re an toàn vào trưa 6/11. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng cho biết đang tiếp tế lương thực lên Trạm Kiểm lâm Tu Re, đóng trên đường 74 nối giữa huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên- Huế). Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 27/10 nhận lệnh tuần tra, ông Lê Thanh Hướng cùng một số Kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La phối hợp với 2 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng 637 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên đường truy quét “lâm tặc” tại các tiểu khu rừng giáp ranh giữa hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Đến ngày 30/10, nhóm tuần tra đã phát hiện nhóm 4 người với các phương tiện khai thác gỗ và một khối lượng khoảng 4 m3 gỗ khai thác trái phép trước đó. Trên đường đi cùng ghe máy trở về, nước đổ về chảy xiết khiến thuyền va vào đá bị vỡ, trôi máy nên ông Hướng và 4 “lâm tặc” bị mắc kẹt lại trong rừng ở đoạn khe A Cà nơi thượng nguồn sông Hương. Riêng 9 người (7 kiểm lâm, 2 cán bộ biên phòng) đi trên một ghe khác đã cắt rừng và đến tối 5/11 đã về đến Trạm Kiểm lâm Tu Re đóng trên đường 74 nối giữa huyện Nam Đông và A Lưới. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận