Cụ thể, khoảng 19h50 ngày 7/10, cháu Hoàng Thùy Tr. (SN 2011, tại thôn Làng Quạch, xã Ngòi A) tới nhà bác là ông Hà Văn Mai (ngụ cùng thôn) để tập văn nghệ thì bất ngờ ta luy sau nhà bị sạt làm sập tường, đè lên người khiến cháu tử vong.
"Ngay khi nhận được thông tin chúng tôi đã cử người xuống hiện trường, nhưng rất tiếc cháu đã tử vong. Hiện gia đình đang lo mai táng cho cháu theo phong tục của địa phương", ông Bình thông tin.
Trong sáng 8/10, ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ gia đình nạn nhân; kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại xã Ngòi A. Ông Kiên yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao để chủ động phương án ứng phó.
"Trên địa bàn huyện, nước lũ tại các con sông, suối cơ bản đã rút, nhưng vẫn còn một số điểm sạt lở. Chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực nhằm xử lý, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra", ông Kiên thông tin.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Yên Lào, cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đoạn Km 180+090 - Km 180+125 xảy ra sạt lở, khiến 30m ray bị treo.
Do không có đường bộ tiếp cận nên việc vận chuyển máy thi công, vật tư vào khắc phục rất khó khăn. Công ty đã dùng tàu chở máy xúc, đá hộc vào hiện trường. Nhưng do đường sắt sạt, treo ray, nên tàu phải dừng từ xa để bốc dỡ thủ công thiết bị, vật tư.
Địa hình chỗ sạt lở bên ta-luy âm sâu, cần đắp 7-8m, nên cần thời gian khắc phục bằng xếp rọ đá, thả đá hộc và đắp lại nền đường, khả năng đến cuối giờ chiều 8/10 sẽ thông tuyến.
Trước đó, rạng sáng 7/10, mưa lớn gây sạt lở đất vào nhà dân cũng đã khiến 2 người ở thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái, huyện Văn Yên thiệt mạng.
Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trận mưa lớn đêm 6/10 đến rạng sáng 7/10 xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 394 ngôi nhà bị ảnh hưởng.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Trấn Yên, huyện Yên Bình bị sạt lở; trong đó, tỉnh lộ 163 đoạn qua địa phận xã Yên Thái (Văn Yên) tuyến đường Mậu A - Tân Nguyên bị sạt lở nhiều điểm, tổng khối lượng đất đá trên 11.100m3 với chiều dài trên 11km; 2 cầu bị cuốn trôi; 2 ngầm bị sập gẫy tại xã Yên Thái, sập 1 cầu dân sinh ở xã Bảo Ái, Yên Bình.
Sau mưa lũ, người dân còn bị thiệt hại về tài sản khác như: xe máy, xi măng, ô tô bị hư hỏng do ngập nước... gồm 1 xe máy bị lũ cuốn trôi tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên; 6 ô tô và 41 xe máy bị ngập tại thành phố Yên Bái.
Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp xã khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng tại chỗ tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ các hộ di chuyển nhà, tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ gia đình có người bị chết tổ chức mai táng. Đồng thời, bố trí chỗ ăn, ngủ cho các hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi, hiện đang ở cùng người thân, ổn định cuộc sống.
Nhiều tài sản của người dân như ô tô, xe máy bị hư hỏng do ngập nước.
Một số công trình đường bộ, thủy lợi và hệ thống đường điện cũng bị sạt lở, ảnh hưởng… Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 10,2 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận