Theo Tổng cục Đường bộ VN, bão số 3 đã gây thiệt hại trên hệ thống quốc lộ địa bàn một số tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung, làm ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến.
Theo Tổng cục Đường bộ VN, trên địa bàn Thanh Hóa, bão số 3 làm sụt lở taluy dương gây tắc đường tại 22 vị trí trên QL15C, đã thông xe 4 vị trí, còn tắc đường 18 vị trí thuộc đoạn từ Km 55+380 - Km 96+600 (xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, thị trấn Mường Lát). Nước ngập gây tắc đường tại 3 vị trí sâu từ 1,5 - 2m trên địa bàn huyện Quan Hóa. Hiện tại đơn vị quản lý đường bộ đã triển khai 2 mũi thi công thông xe tạm từ thị trấn Mường Lát đi xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Mưa lớn làm đất, bùn tràn lấp mặt đường, rãnh dọc, cống ngang, tứ nón cầu trên QL1, QL10, QL45, đường Nghi Sơn - Bãi Trành, đơn vị quản lý đường bộ đang triển khai bảo đảm giao thông bước 1.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, tính đến 17h chiều 4/8, mưa lũ sau cơn bão số 3 đã khiến 5 người chết, 14 người mất tích và 4 người bị thương. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh bị thiệt hại về người nhiều nhất với 3 người chết, 12 người mất tích và 5 người bị thương.
Về tài sản, mưa lũ làm sập 59 nhà; tốc mái, hư hỏng 16 nhà; ngập 852 nhà dân; hư hại 21,3ha lúa và hoa màu; 353 con gia súc, gia cầm bị chết; sạt lở 1.000m3 đất đá; trôi 1 đập tràn, 3 cầu treo; sạt lở 14 điểm trên quốc lộ...
Trên QL48E tại tràn Hiếu Km 92+850 (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) ngập sâu 1,0m, hiện đơn vị quản lý đường bộ đang đóng đường cấm người và phương tiện qua lại, cử người trực gác, phân luồng đảm bảo giao thông.
Tại Km 142+430 QL3 (địa bàn Bản Giác, xã Hoà Mục, Bắc Kạn) tiếp tục sạt ta luy dương, đơn vị quản lý đường bộ đã triển khai hót sụt và bảo đảm giao thông tạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ, các sở GTVT tập trung lực lượng thu dọn biển báo, cây đổ, đất đá tràn mặt đường để thông xe. Những vị trí sụt ta luy âm dùng kè rọ thép. Những vị trí bị nước ngập mặt đường tổ chức cắm cọc tiêu, rào chắn cảnh báo và tổ chức trực gác 24/24h; phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức phân luồng điều hành giao thông.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, bước đầu ghi nhận không có xã nào cô lập, chủ yếu bị chia cắt đường giao thông tại QL15C, QL16, tỉnh lộ 521D.
Còn tại huyện Quan Sơn, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay trên tuyến QL217 lên xã Na Mèo đã thông.
Ông Nguyễn Tiến Hiệu, Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Hiện nay chỉ có QL15C, 217, 16 và một số tỉnh lộ bị sạt lở ta luy dương, ta luy âm gây chia cắt. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nhân, vật lực để hót dọn, khắc phục các điểm sạt lở. Cố gắng trong 1-2 ngày tới sẽ thông các tuyến”, ông Hiệu cho hay.
Đảm bảo cung cấp lương thực, thuốc men cho dân
Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cho biết, do trời mưa, để vào Sa Ná chỉ có hai cách là vượt sông Luồng hoặc băng cắt đường rừng. Trưa 4/8, đoàn cứu hộ đã tiếp cận được bản Sa Ná. “Người dân thì đủ lương thực xong lại thiếu nước uống và thuốc men. Cả xã ghi nhận có 10 người dân không thể liên lạc được và có 4 người bị thương. Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang được triển khai”, ông Tiệu cho biết thêm.
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua giữa khu vực Nam đồng bằng và Bắc Trung bộ nên trong các ngày tới, ở Bắc bộ và Thanh Hoá tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tại cuộc họp họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian sớm nhất phải tiếp cận vùng bị chia cắt, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động sẵn sàng các phương án để cứu hộ, cứu nạn người dân mất tích ở vùng đang bị chia cắt, không để người dân thiếu lương thực và nước uống.
Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trước, trong và sau bão, lũ lụt. Theo đó, các địa phương cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
“Ngành Y tế địa phương sẽ giám sát, phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau bão và ngập lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới”, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận