Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình |
Đang nổi tiếng là một nhà thầu bất động sản uy tín hàng đầu Việt Nam, mới đây kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình bất ngờ khi công bố Hoà Bình sẽ chuyển hướng từ xây dựng nhà sang sản xuất nhà ở.
Tiết giảm 20% giá nhà
Thưa ông, với 30 năm thương hiệu là tổng thầu của nhiều công trình kỹ thuật mỹ thuật cao, điều gì khiến Hoà Bình có quyết định táo bạo: sản xuất nhà ở trong nhà máy?
KTS Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình: Phương châm của chúng tôi là liên tục học tập và đổi mới. Việc đưa ra quyết định chuyển sang sản xuất nhà ở bắt nguồn từ nhu cầu thực tế mà chúng tôi nắm bắt được từ chủ đầu tư. Năm 2016, Hoà Bình đã thành lập một ban chuyên trách nghiên cứu nhà giá rẻ bao gồm nhiều bộ phận như phòng kỹ thuật, thiết kế, khối quản lý công trường… để đưa ra giải pháp tốt nhất. Sau đó chúng tôi quyết định chuyển xây dựng nhà ở sang sản xuất nhà ở.
Điều khác biệt ở đây là nhà được sản xuất chủ yếu trong nhà máy rồi chỉ việc đem ra công trường lắp ráp. Những mẫu nhà lắp ghép này phù hợp với những công trình từ 10 tầng trở lên.
Cụ thể Hoà Bình sẽ sản xuất nhà ở thế nào thưa ông?
Để xây một ngôi nhà, căn hộ với các thành phần như sàn, vách, cửa, mặt tiền, cầu thang, mái… người thợ phải chất từng viên gạch làm tường, sàn rồi sau đó mới đổ bê tông. Nhưng nếu sản xuất các tấm phẳng đó ở nhà xưởng thì đã giải quyết xong một khâu của công việc. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí công nhân và an toàn lao động.
Công nghệ này nhiều nhà thầu xây dựng đã làm nhưng chủ yếu chỉ giải quyết kết cấu để lắp khung nhà. Phần kết cấu thì vốn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng công trình. Sau sau đó vẫn cần tới các công đoạn tô trát, đục, lắp đặt hạ tầng điện nước, cáp… Hoà Bình sẽ tạo ra một sản phẩm mới, không chỉ làm kết cấu hạ tầng mà tất cả các công đoạn sau trong nhà máy với kỹ thuật, công nghệ, dây chuyền sản xuất tối ưu để tiết kiệm chi phí.
Vâng, nếu làm như ông nói thì ngôi nhà sản xuất trong nhà máy sẽ rẻ hơn nhà truyền thống bao nhiêu?
Chẳng hạn như một nhà ở bình thường, ván khuôn được làm bằng gỗ chỉ dùng được 5-7 lần là bỏ đi. Tuy nhiên khi đi vào sản xuất nhà ở điển hình thì mình có thể xây dựng ván khuôn đổ bằng bê tông, sắt, thép… tuỳ vào công trình. Với cách này, chỉ tính riêng phần kết cấu, chi phí giảm khoảng 200-300 ngàn đồng/m2. Hay như công đoạn tô, trát sẽ không phải dùng vữa nữa mà chúng tôi dùng tấm phẳng proximăng và keo dán. Một sàn, tường… sản xuất như thế không chỉ tiết kiệm được nhiều vật tư, tiền công, rút ngắn thời gian thi công mà còn đem lại độ chuẩn xác cao. Hay như thay vì xây gạch theo kiểu truyền thống, với giải pháp tường bằng bê tông, sẽ giảm được diện tích cột và giảm được kích thước của đà. Và như vậy, diện tích sử dụng cho một công trình rộng hơn song chi phí đầu tư lại giảm xuống.
Theo tính toán sơ bộ, nếu như xây dựng như bình thường tốn kém khoảng 100 thì lắp ráp chỉ còn tốn khoảng 80, nghĩa là giảm được khoảng 20%.
Đến 2020, sẽ xuất khẩu nhà đi nước ngoài
Khi nào, nhà lắp ráp sẽ được Hòa Bình chào bán?
Đây là kế hoạch mất rất nhiều thời gian, chúng tôi đã khởi động từ năm 2016. Riêng kế hoạch chi tiết cũng đã mất 6 tháng và dự kiến sau 5 năm bắt đầu có sản phẩm.
Trước khi làm, chúng tôi đã sang Trung Quốc khảo sát mô hình này. Họ làm nhà rất nhanh nhưng chất lượng kém và còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn họ xây toà nhà 15 tầng nhưng diện tích kết cấu tường bao quanh dài 6 tấc. Chúng tôi tiếp tục sang Nhật và một số nước khác để nghiên cứu để hoàn thiện mô hình của mình. Việc sản xuất nhà, mua nhà lắp ráp được áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, an toàn, chuẩn và tiết kiệm nhân công… nên chi phí giảm nhưng chất lượng không giảm. Đặc biệt nhà sản xuất cũng không đơn điệu mà có các giá khác nhau. Chúng tôi muốn khách hàng đi mua nhà không phải quá mất nhiều thơi gian như hiện nay. Mua nhà sẽ giống như khi mua xe hơi vậy. Sẽ có các dòng xe khác nhau, khách hàng cũng có quyền lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình. Sau đó mua rồi, muốn trang bị thêm phụ kiện chúng tôi cũng có sẵn luôn.
Theo ông, việc sản xuất nhà lắp ghép này có ảnh hưởng đến các nhà máy vật liệu xây dựng hiện nay?
Các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam vẫn thừa công suất, nhưng bán sản phẩm ra nước ngoài rất khó. Nếu sản xuất nhà theo dây chuyền hoàn thiện thì sản phẩm cuối cùng sẽ xuất khẩu được. Chúng đã nghiên cứu nhu cầu thị trường ở nước ngoài và trước mắt sẽ tập trung vào những thị trường với yêu cầu tiêu chuẩn không quá khắt khe. Vì thị trường cao cấp quá thường muốn làm riêng không muốn giống ai. Thị trường quốc tế chúng tôi hướng đến là khu vực Trung Đông…
Chúng tôi sẽ liên kết cùng các nhà máy sản xuất vật liệu trong nước hình thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ đó để phục vụ cho nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu.
Làm tổng thầu cho các dự án ở nước ngoài
Ngoài hoàng loạt các công trình đình đám trong nước mà Hoà Bình làm tổng thầu như: Nhà ga hành khách sân bay Quốc tế Cần Thơ, Khách sạn 5 sao Le Meridien, ĐH Quốc tế RMIT, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, TTTM Vincom, Celadon City, Chung cư cao cấp D’.Palais De Louis, Tràng Tiền Plaza, Horizon Tower, Nhà máy Casumina… Hiện Hoà Bình đã làm tổng thầu cho dự án nào ở nước ngoài chưa thưa ông?
Từ năm 2011, chúng tôi đã hợp tác với Tập đoàn UOA (Malaysia) trong dự án xây dựng khu dân cư Le Yuan với 670 căn hộ. Đây là dự án nhà ở đầu tiên có bãi biển nhân tạo ở ngay thủ đô Kuala Lumpur với nhiều yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên chúng tôi vẫn khẳng định được thương hiệu Hoà Bình đến từ Việt Nam và đến nay đây vẫn được xem là công trình có tổ chức công trường mẫu mực nhất trong số các công trình của họ. Sau công trình này, chúng tôi cũng làm tổng thầu cho dự án chung cư cao cấp Desa 2 có quy mô lên tới 1.300 căn hộ tại quốc gia này.
Trong quá trình làm tổng thầu cho dự án lớn ở Malaysia, Hoà Bình có từng gặp khó khăn gì?
Có nhiều thử thách mà chúng tôi đã trải qua hồi 6 năm trước. Chẳng hạn như việc cử người thật xuất sắc ở trong nước sang nước ngoài quản lý dự án vướng nhiều ý kiến không đồng thuận từ ngay trong công ty. Bởi nếu đưa người giỏi đi sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt của công ty. Tuy nhiên người nào, vị trí nào rồi cũng có thể thay thế được. Bù lại việc đưa người giỏi ra nước ngoài lại học được nhiều điều từ quản lý, kỹ thuật, công nghệ. Sau khi xong dự án, người quản lý dự án của Hoà Bình tại được tập đoàn đó mời ở lại và sẵn sang trao giữ chức Phó Tổng giám đốc trong tập đoàn của họ. Tuy nhiên, người mà chúng tôi cử đi đã từ chối.
Cảm ơn ông!
Những công trình mang dấu ấn Hòa Bình Mới đây, Hoà Bình đã trở thành đối tác chiến lược với Tập đoàn Kajima Nhật Bản về lĩnh vực thi công xây dựng. Đây là hướng đi để Hòa Bình mở rộng thị trường, vươn ra nước ngoài. Trước đó Hoà Bình cũng đã hợp tác với các nhà thầu nước ngoài (Taisei, Kajima, Toa Corporation (Nhật Bản), Kumho, Seo Yong, Posco, Huyndai, Daewoo, Deawon, Doosan, GS Engineering & Contruction (Hàn Quốc), CSCEC (Trung Quốc), Transfield (Úc), B plus B, Bauer (Đức), Bouyques (Pháp) ở nhiều công trình như Keangnam Hà Nội, Landmark Tower Tòa nhà cao nhất Việt Nam, Khách sạn Marriott Hà Nội, Kumho Asiana Plaza, M&C Tower, Times Square, Sunrise City, Sheraton Hotel, Legend Saigon Hotel, Melia Hanoi Hotel… Đặc biệt, tập đoàn đã tham gia thi công hàng loạt công trình mang tính kỹ thuật cao như: Nhà ga hành khách sân bay Quốc tế Cần Thơ, Khách sạn 5 sao Le Meridien, ĐH Quốc tế RMIT, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Khu dân cư Kỷ Nguyên, TTTM Vincom, Celadon City, Chung cư cao cấp D’.Palais De Louis, Tràng Tiền Plaza… |
Sắp tới mua nhà ở giống như đi mua xe hơi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận