Chuyện dọc đường

Mua tin vi phạm giao thông, nên không?

16/08/2024, 06:35

Dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Cùng với nhiều nội dung quan trọng, có một đề xuất được dư luận rất quan tâm, đó là trường hợp mua tin tố giác vi phạm giao thông, mức chi mỗi vụ việc bằng 10% tiền phạt, nhưng không quá 5 triệu đồng.

Mua tin vi phạm giao thông, nên không?- Ảnh 1.

Tình trạng vi phạm giao thông diễn ra tràn lan ở những nơi vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Đón nhận thông tin này, nhiều người bày tỏ quan điểm ủng hộ. Một số người cho biết, không ít quốc gia mà họ từng sống và làm việc đều có bộ phận để tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông từ người dân. Dĩ nhiên, hình ảnh cung cấp cho cảnh sát phải không qua chỉnh sửa (có bộ phận kiểm tra). 

Thậm chí, người cung cấp được hưởng 25 - 30% tiền vi phạm kèm yêu cầu bảo mật tuyệt đối. Số tiền người cung cấp nhận được thường sau 7 - 10 ngày sau khi nộp bằng chứng vi phạm.

Thực tế tình hình tham gia giao thông ở ta cho thấy, cứ nơi nào có mặt lực lượng chức năng hoặc có lắp camera xử phạt nguội thì vi phạm thường xảy ra rất ít. Còn ngược lại, vi phạm diễn ra tràn lan ở những nơi chưa có camera hoặc vắng bóng lực lượng làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, cơ quan chức năng không thể đủ lực lượng để bố trí trên tất cả các tuyến đường. Hệ thống camera giám sát tuy đã được lắp đặt nhưng số lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Vì thế, việc khuyến khích xử lý vi phạm thông qua các hình ảnh của người dân cung cấp là rất cần thiết. 

Thời gian qua, rất nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện kịp thời nhờ camera ở nhà dân, hoặc người dân quay lại, qua camera hành trình, cung cấp cho cơ quan chức năng. Từ đó, cơ quan chức năng đã xử lý rất nhiều các vụ vi phạm nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, từ cuối năm 2023 đến nay, Phòng CSGT TP đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm giao thông từ phản ánh của người dân thông qua mạng xã hội Zalo, xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng, tước 275 giấy phép lái xe, kịp thời xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến tổ chức giao thông. 

Nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh người dân cung cấp như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… và đạt được những kết quả khả quan.

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu ô tô của người dân khá cao, những hình ảnh từ camera hành trình trên xe cá nhân sẽ rất phong phú, đa dạng. Cùng đó, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mỗi người dân đều có thể là một nhân chứng với chiếc điện thoại thông minh. 

Tôi nghĩ, một số ít người không ủng hộ đề xuất trên chỉ là những người có thói quen hay vi phạm giao thông mà thôi. Nên nếu bị người dân giám sát, chắc chắn họ sẽ cảm thấy khó chịu. Còn nếu cứ chấp hành nghiêm túc thì có gì mà ngại?

Vấn đề quan trọng là cách thức tổ chức triển khai, tiếp nhận và xử lý thông tin người dân cung cấp thế nào để đảm bảo hiệu quả. Chẳng hạn, có thể lập một cổng thông tin tiếp nhận toàn bộ các thông tin đó để xác minh. Thậm chí, khi xử lý xong vi phạm từ hình ảnh người dân cung cấp, cần có cơ chế nào đó để thông báo cho người cung cấp được biết. 

Việc tăng cường phát hiện vi phạm, huy động toàn bộ xã hội tham gia để đảm bảo trật tự an toàn giao thông là điều cần thiết. Chỉ khi các vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, lúc đó văn hoá giao thông may ra mới có thể trở thành thói quen, nếp nghĩ trong mỗi người. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.