Từ 5 giờ 30 sáng nay 2/9 (mùng 9/8 âm lịch) đã có hàng nghìn người đổ về sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng để theo dõi vòng chung kết Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2014. Từ ngã ba đường 354 rẽ về phía sân vận động dòng người người chen chúc để nhanh chân vào sân có được một chỗ ngồi trên khán đài. Đêm qua, Hải Phòng có mưa lớn, nhưng thời tiết sáng nay tạnh ráo. Cho tới gần 7 giờ sáng, khi giải đấu sắp khai mạc, trời lại đổ mưa.
Từng nhóm đã dắt trâu vào vị trí |
Đến lúc này, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông lượng người đã vào gần kín, tình hình TTATGT khá ổn định. Gần đến giờ diễn ra lễ hội nhưng không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Các lực lượng chức năng đã tập trung đảm bảo giao thông được thông suốt.
Đây là năm thứ 25, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được khôi phục. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay diễn ra vào đúng ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nên càng có sức hút đặc biệt đối với người dân và du khách. Ngay từ chiều qua 1/9, du khách từ các tỉnh, thành lân cận đã đổ dồn về Đồ Sơn để dõi theo vòng chung kết Lễ hội chọi trâu năm nay.
Không khí náo nức trước giờ khai hội chọi trâu Đồ Sơn |
Năm nay, BTC đã tăng giá vé lên 50% (150 nghìn đồng/vé), du khách và nhân dân mua vé rất đông. Tuy nhiên, đến thời điểm gần diễn ra lễ hội vẫn không xảy ra tình trạng “cháy” vé. Giá vé “chợ đen” lúc này cũng chỉ từ 150 đến 170 nghìn đồng/vé. Thậm chí bàn bán vé của BTC được phục vụ ngay tại cổng cũng rất thưa người mua. Chị Nguyễn Thị Hồng, du khách từ Quảng Ninh cho biết chiều qua lo hết vé chị đã phải nhờ người mua trước 3 vé cho gia đình với giá 170 nghìn đồng/vé.
6 giờ 30, các chủ trâu bắt đầu đưa trâu vào sân vận động. Tuy nhiên, lúc này mây đen rất lớn đang xuất hiện.
Đây là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ Bắc Bộ gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh. Ý nghĩa sâu sắc hơn cả, lễ hội là một mỹ tục hào hùng mang đậm tinh thần thượng võ và lòng quả cảm rất độc đáo của người dân miền biển Đồ Sơn. Mặc dù năm nào cũng diễn ra nhưng từ sáng sớm, người dân Đồ Sơn đã nô nức kéo nhau về sân vận động để theo dõi lễ hội. Phường nào có trâu tham gia được xem là vinh dự và may mắn. Nếu phường nào có trâu vô địch thì người dân quan niệm năm đó sẽ làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.
Khán giả ngồi kín khán đài trong buổi chọi trâu lớn nhất. Trong lúc đó, Ban tổ chức vẫn tiếp tục bán vé vào cửa với giá 150 nghìn đồng |
Năm nay, các phường: Vạn Hương, Minh Đức có nhiều trâu nhất với 3 trâu. Các phường còn lại có 2 trâu tham gia gồm: Ngọc Hải, Vạn Sơn, Ngọc Xuyên, Bàng La, Hợp Đức.
Tại vòng chung kết này, một số trâu được đánh giá cao, có chất lượng tốt như trâu số 13 của ông Lưu Đình Đông (phường Ngọc Hải); số 2 của ông Lưu Đình Võ (p. Vạn Hương); số 18 của ông Phạm Văn Minh (p. Vạn Sơn); số 04 của ông Vũ Văn Thạnh (p. Vạn Hương); số 10 của ông Lương Trác Tỵ (p .Ngọc Hải).
Năm 2012, lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vào tối qua 1/9, Lễ kỷ niệm “25 năm khôi phục và phát triển lễ hội chọi trâu Đồ Sơn- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”; đồng thời vinh danh 5 Nghệ nhân dân gian, các tập thể, cá nhân có thành tích, cống hiến lâu năm cho Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được tổ chức tại quảng trường biển Khu 1.
Năm nay, toàn bộ trâu tham dự vòng chung kết Lễ hội được mua trong nước. Cũng như mọi năm, vòng chung kết Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2014 gồm 16 trâu thắng của vòng loại được ghép cặp theo thứ tự trâu thắng trận trước gặp trâu thắng trận sau, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp để chọn ra các trâu đoạt giải. Trâu đoạt giải nhất: 70 triệu đồng, 1 giải Nhì: 45 triệu đồng, 2 giải Ba, mỗi giải: 30 triệu đồng. Ngoài ra, còn có có các giải thưởng cho những phường có trâu đoạt giải trên. Phường nào 3 năm liên tục có trâu đoạt giải nhất sẽ được giữ vĩnh viễn biểu tượng của Lễ hội chọi trâu truyền thống quận Đồ Sơn.
Đúng 7 giờ, vòng chung kết Hội chọi trâu truyền thống 2014 bắt đầu.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật.
Trung Thành
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận