Chưa có cơ sở khẳng định mùng 10 âm là ngày vía Thần Tài
Theo chuyên gia phong thuỷ Lương Ngọc Huỳnh, trong văn hoá ngôn ngữ và phong tục dân gian, nhân dân vẫn nói "ngày vía" có nghĩa là ngày đó sinh ra một vị thần tiên, phật thánh nào đó, hoặc là ngày đó là ngày các vị hiển linh, hạ phàm, hoặc chứng đắc thành thần tiên....
Trong khi đó, tất cả các điển tích chưa có điển tích nào nói ngày mùng 10 âm lịch là ngày vía Thần Tài! Thậm chí Thần Tài là ai, thì tất cả những tiệm vàng và những người mua vàng đều không hề biết! "Họ bị lừa vì lòng tham và ngu trí", ông Huỳnh nhận xét.
Ông Huỳnh cho rằng, người Trung Quốc quan niệm Thần Tài tên là Triệu Công Minh cũng không đúng. Có truyền thuyết nói Ngũ Lộ Thần Tài gồm: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung Tâm. Đông Thần Tài là Tỷ Can; Tây Thần Tài là Quan Công (là võ thần tài); Nam Thần Tài là Phạm Lãi; Bắc Thần Tài Là Triệu Công Minh; Trung Thần Tài là Vương Hợi (là văn Thần Tài).
Người Hoa ở một số vùng phía nam Trung Quốc di cư sang Việt Nam truyền bá văn hoá này và thế là người Việt học theo và rước mấy ông quan thời phong kiến Trung Quốc làm Thần Tài cho dân mình! "Vậy thử hỏi đó có phải là ngu trí không?", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Thần Tài là ai?
Ông Huỳnh cho biết: Trong Tiên Thiên đạo cổ là đạo mà loài người tiếp cận đầu tiên, hay còn gọi là "đạo thần tiên", "đạo ông trời" vẫn còn tồn tại đến ngày nay gọi là thuyết "Trời sinh" hay còn gọi là đấng sáng tạo toàn năng "Thượng Đế" có nói: Trong quy luật tạo hoá thì Trời sinh ra tam giới gồm: Thiên giới - Nhân giới - Địa giới.
Trong đó, Thiên giới là cõi thần tiên, phật thánh mẫu. Ở cõi này gồm có Thiên tiên (các vị tự sinh bất diệt có ở trên trời từ thời hỗn mang) và địa tiên (các vị tu hành lâu năm mà thành).
Còn Nhân giới là cõi trần gian có con người và mọi chúng sinh đang tồn tại; Địa giới là nơi giam cầm những linh hồn của những vị thiên tiên phạm tội, con người và chúng sinh phạm tội... thì đều bị đày xuống địa giới gọi là địa ngục.
Cai quản ba cõi này là Thiên giới.
Ở trên Thiên giới có một cơ quan quản lý toàn bộ hành vi đạo đức, phúc nghiệp của con người và mọi chúng sinh, đó là cơ quan "Ngũ Lôi Bộ" phụ trách thưởng thiện phạt ác cho mọi hành vi của vạn vật chúng sinh trong tam giới.
Người được đại diện quản lý cơ quan này gọi là sư tổ Cửu Thiên Ứng Nguyên Lôi Thanh Phổ Hoá Thiên Tôn. "Chính Nhất Tổng Quản Đại Thần Tài" là một vị Thần Tướng Đại Nguyên Soái trong cơ quan "ngũ lôi bộ".
"Vậy Thần Tài có hiển linh ngày 10 tháng Giêng không thì chúng ta tự hiểu", ông Huỳnh nói!
Chen chúc, mua giá đắt là "hao tài" chứ không phải "chiêu tài"
"Trong 365 ngày thì ngày nào cũng là ngày Thần Tài", ông Huỳnh khẳng định và giải thích: Nghĩa là ngày nào, ai đó làm ăn phát tài thì ngày đó là ngày Thần Tài ghé thăm.
Tiên thiên đạo cổ còn truyền thuyết rằng thời khắc hình thành "Ngũ Lôi Bộ" vào tiết tháng ba đúng ngày rằm ở hạ giới. Đây cũng là thời điểm kết thúc mùa xuân bắt đầu chuẩn bị cho mùa hạ, lúc này trời hay nổi những cơn mưa rào giông tố sấm chớp là do Thần Tiên ở ngũ lôi bộ tạo ra để diệt tà và rửa sạch trời đất, giúp cho vạn vật sinh trưởng biến hoá.
Vì thế mà Thiên giới truyền tụng lấy ngày 15 tháng 3 âm lịch làm ngày Thần Tài hiển linh.
"Cho nên, nhân dân ta cùng suy ngẫm và làm theo lý trí của mình. Trong mùa xuân kể từ ngày mùng 1 tết đến hết tháng 3 âm lịch chúng ta làm việc tốt, tích cực sáng tạo để thu được kết quả làm ra của cải báo đáp ân đức của Thần Tài và Thần Tiên Ngũ Lôi Bộ đó mới là việc làm chính nghĩa hợp với đạo trời. Chứ đi mua vàng ngày mùng 10, mất tiền mua đắt là "hao tài" chứ không phải "chiêu tài". Như vậy vừa mê tín dị đoan lại phạm tâm đạo mà Thần Tài ở Thiên Giới lại quở trách thì thật là tội nghiệp", ông Huỳnh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận