Tài chính

Mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, sửa thế nào?

08/07/2023, 06:17

Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 5, trong đó yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.

Báo Giao thông trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) xung quanh vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm này.

img

Luật sư Trương Thanh Đức.

Giảm trừ gia cảnh quá thấp so với mức sống

Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đã áp dụng từ tháng 7/2020. Theo ông, mức giảm trừ gia cảnh nên được tính toán thế nào cho hợp lý?

Tôi cho rằng mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp mặt bằng giá chung liên tục biến động tăng. Chưa kể, các gia đình phải trang trải thêm chi phí học tập cho con, chi phí khám chữa bệnh…

Với hàng loạt chi phí tăng lên như vậy, mức giảm trừ duy trì từ năm 2020 đã không còn phù hợp. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Do đó, cần xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh trong bối cảnh có sự biến động như đã nêu.

Lấy ví dụ cụ thể, những người có thu nhập cao, trường hợp con họ bị bệnh phải tốn rất nhiều tiền chữa bệnh và họ chứng minh được điều đó thì phần chi phí này có nên được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân?

Tôi nghĩ tất cả những khoản chi phí dành cho cuộc sống hàng ngày thì vẫn khuyến khích lấy hóa đơn chứng từ thông qua các hình thức như hóa đơn chẳng hạn. Vì 99% người dân hiện nay vẫn giữ thói quen không lấy hóa đơn, gây thất thu ngân sách đáng kể.

Với những khoản chi tiêu nhỏ thì không nhất thiết phải giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Song các khoản chi lớn như chi phí học hành cho con cái, khám chữa bệnh, mua nhà… và những khoản chi đó có hóa đơn chứng từ thì nên tính toán để giảm trừ cho người nộp thuế.

Ví dụ, có người phải chạy thận, lương họ có đến 50 triệu đồng/tháng thì họ cũng không thể dành dụm được gì, bởi bao nhiêu tiền của đã phải dành cho việc khám chữa bệnh. Như vậy, khoản chi tiêu đó cần được giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cần khấu trừ những khoản chi hợp pháp

Rất nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời khi đã áp dụng từ lâu, trong khi điều kiện kinh tế xã hội có những thay đổi so với trước đây. Theo ông, ngoài mức giảm trừ gia cảnh, luật này còn những bất cập gì?

Thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.
Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/1/2009 và sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2012 và năm 2014.


Từ lâu nay, báo chí, dư luận, cả đại biểu Quốc hội cũng chỉ tập trung nói rằng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân là lỗi thời, nhất là mức giảm trừ gia cảnh.

Nhưng tôi cho rằng, bất hợp lý của thuế thu nhập cá nhân không phải chỉ ở điểm này.

Những người có năng lực, làm lụng vất vả, thu nhập từ tiền công, tiền lương, tiền thưởng… ở mức cao và họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức 30%.

Tôi thấy đó là mức thuế thu nhập rất cao mà những đối tượng có thu nhập này phải gánh chịu.

Người trúng xổ số 100 tỷ nếu phải đóng thuế thu nhập cá nhân 50%, thậm chí 90% cũng là có lý, nhưng thực tế người trúng xổ số phải đóng thuế thấp hơn nhiều, chỉ 10%.

Còn những người kiếm tiền từ mồ hôi công sức của họ, lao tâm khổ tứ để có được thu nhập cao thì lại phải chịu đóng mức thuế quá cao.

Rồi bất hợp lý còn ở chỗ những người không có nhà cửa, phải đi thuê… cũng phải nộp thuế như những người khác có chung mức thu nhập. Ngoài ra, thu nhập 11 triệu đồng ở TP.HCM hay Hà Nội khác hẳn so với ở các tỉnh khác do mức sống ở những nơi này rất đắt đỏ.

Nói như ông, có nghĩa là thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang có sự cào bằng?

Đúng vậy, hiện đang có sự cào bằng giữa những người nộp thuế. Do đó, cần phải có cách thức sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng những khoản chi hợp pháp, hợp lý, có hóa đơn chứng từ, cần được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Ngày xưa, để làm được việc này là rất khó. Nhưng với tình hình hiện nay, vấn đề rất dễ giải quyết khi tất cả đã phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Các chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, việc trốn thuế cũng giảm bớt. Còn hiện nay, không ít người thu nhập cao đang tìm mọi cách để giảm bớt nghĩa vụ thuế phải nộp do mức đóng thuế của họ là rất cao (30-35%).

Mức cao nhất chỉ nên là 20%?

img

Theo các chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản, thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế. Ảnh minh họa.

Vậy theo ông, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất nên ở mức bao nhiêu là hợp lý?

Tôi cho rằng mức cao nhất chỉ nên là 20%, trừ thu nhập từ xổ số. Còn thu nhập từ viết sách, viết báo tốt nhất đừng nên thu thuế. Tôi quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thậm chí có khoản 500 nghìn đồng VTV trả cho cũng phải tính vào, như vậy rất phi lý.

Nhìn chung, mọi khoản thu nhập đều phải kê khai, quản lý. Thế nhưng khi thu thuế thì phải tính toán sao cho hợp lý, công bằng nhất.

Đây không chỉ là nguồn thu để điều tiết thu nhập trong xã hội, hay tăng thu ngân sách, mà phải phân định rõ rằng, ai làm tốt cho xã hội, mang lại hiệu quả chung thì phải khuyến khích người ta làm ra của cải cho xã hội.

Còn hiện nay, phải nói thực là rất nhiều người chán nản, mất động lực khi phải đóng thuế thu nhập quá cao.

Dự kiến, phải đến năm 2026 Luật Thuế thu nhập cá nhân mới sửa đổi, vậy trong thời gian này, theo ông cần có giải pháp nào để xử lý các bất cập hiện nay?

Tôi không đồng tình việc năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Mỗi năm Quốc hội xem xét rất nhiều luật, vậy tại sao những luật liên quan sát sườn đến người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội này lại phải đợi đến 2026, trong khi bao bất cập đã được chỉ rõ?

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân có nhiều ý nghĩa, không phải là chỉ để giải quyết khía cạnh đời sống nhân dân, mà chủ yếu thông qua việc sửa luật sẽ tạo thúc đẩy tích cực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Việc này cũng giống như sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tác động rất lớn đến nền kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ nhận thức rõ ràng hơn, sòng phẳng hơn về việc đóng thuế thu nhập cá nhân cho người lao động, thay vì tìm cách “lắt léo” tránh thuế.

Nếu cơ chế hợp lý, mức đóng thuế thu nhập cá nhân hợp lý thì người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đóng thuế đầy đủ, thay vì họ phải tìm đủ mọi cách né tránh.

Có nghĩa là cần cơ chế để khuyến khích nộp thuế, thay vì tìm cách để làm đủ cách để né nghĩa vụ thuế, thưa ông?

Chúng ta phải nhìn nhận rõ một vấn đề, nếu thuế thu nhập cá nhân còn bất cập như hiện nay thì số thu được ít hơn số không thu được. Nếu có cơ chế khuyến khích người dân nộp thuế, mới thu được nhiều tiền thuế.

Thu được nhiều tiền thuế xã hội có thêm nguồn lực để dành cho nhiều phần việc quan trọng khác, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Cảm ơn ông!

Nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân giảm mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số thu thuế thu nhập cá nhân nửa đầu 2023 giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 86.900 tỷ đồng.

Đây là mức giảm mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây. Giai đoạn nửa đầu năm 2014 cũng chứng kiến sự sụt giảm của nguồn thu này, nhưng chỉ ở mức 3,5%.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang rà soát để sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Phớc, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Quốc hội quyết định, nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ trình sửa 6 luật về thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng tác động, giai tầng xã hội việc sửa luật phù hợp thực tế thu nhập người dân, tạo động lực phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.