Đã hoàn thành 977km đường cao tốc
Nghị quyết 13 của BCH T.Ư Đảng ban hành ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 2.000km cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác. Thời điểm đó, cả nước mới chỉ có 139km đã đưa vào sử dụng gồm: TP HCM - Trung Lương (40km), Liên Khương - Đà Lạt (19km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Đại lộ Thăng Long (30km). Hầu hết các dự án cao tốc lúc đó đều được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn ODA.
Kể từ khi Nghị quyết 13 ra đời, thực hiện chủ trương của Đảng, ngành GTVT đã tập trung mọi nguồn lực, huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để ưu tiên đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến cao tốc lớn trên địa bàn cả nước. Chỉ trong vòng 7 năm từ 2012 - 2019, cả nước đã có thêm 838km đường cao tốc mới được đầu tư mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước nói chung và các địa phương nơi dự án đi qua nói riêng. Điển hình là các cao tốc: Nội Bài - Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (62km), Hà Nội - Hải Phòng (105km), TP HCM- Long Thành - Dầu Giây (51km)...
Đặc biệt, từ năm 2018 đánh dấu một bước tiến mới trong xây dựng đường cao tốc khi Bộ GTVT rốt ráo triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 11 dự án cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 654km. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ cũng đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để thúc tiến độ. Chỉ trong năm 2018, cả nước đã có thêm 166km đường cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm: 62km cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn Quảng Ngãi - Tam Kỳ), 20km cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh (25km), cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (59km).
Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, đến nay, trên cả nước đã có 977km đường cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác. Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 173.422 tỷ đồng. Hình thức đầu tư cũng rất đa dạng, từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA đến các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Dự kiến năm 2022, cả nước có 2.005km cao tốc
Trong 14 dự án cao tốc (dài 811km) hiện đã có nguồn vốn, dự kiến đến năm 2021 sẽ có 10 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Lạng Sơn - Hữu Nghị quan, Vân Đồn - Móng Cái; năm 2022 có 3 dự án hoàn thành gồm: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Còn lại, dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (dài 7km) sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư, ngoài các tuyến đã hoàn thành, hiện nay, ngành GTVT còn 5 dự án cao tốc đang triển khai thi công với chiều dài 224km, tổng mức đầu tư khoảng 59.020 tỷ đồng.
Trong đó, cuối năm 2019, Bộ GTVT sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác 66km cao tốc La Sơn - Túy Loan. Đến năm 2020, dự kiến 4 tuyến cao tốc khác sẽ đồng loạt hoàn thành gồm: Bến Lức - Long Thành (38km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51km), Bắc Giang - Lạng Sơn (64km) và Vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (5km).
Hiện nay, 14 dự án cao tốc khác đã có nguồn vốn đầu tư với tổng chiều dài 811km, gồm 11 dự án cao tốc Bắc - Nam (dài 654km) và 3 dự án khác dài 157km: Cao tốc Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị, Vân Đồn - Móng Cái và Mỹ Thuận - Cần Thơ. “Toàn bộ 14 dự án này được dự kiến hoàn thành cơ bản vào năm 2022, khi đó sẽ nâng số km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác lên khoảng 2.002km đường cao tốc”, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư chia sẻ.
Đề cập đến công tác triển khai 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đại diện Vụ Đối tác công - tư (PPP) - Bộ GTVT cho biết, hiện nay, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP đang trong giai đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, trong khi đó 3 dự án đầu tư bằng ngân sách (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) đang triển khai đấu thầu xây lắp để chuẩn bị khởi công xây dựng. Ngoài thực địa, các địa phương đang gấp rút đẩy nhanh công tác GPMB để chuẩn bị bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Liên quan đến tiến độ triển khai của dự án cao tốc Bắc - Nam, tại nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là công trình quan trọng quốc gia, không có bất cứ lý do gì làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự án. “Các đơn vị phải tổ chức đấu thầu nghiêm túc đối với công tác xây lắp. Tổ chuyên gia đấu thầu tại các ban QLDA phải lựa chọn những người giỏi nhất và cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm cá nhân. Công tác đấu thầu phải làm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, dứt khoát không được để xảy ra sai sót”, Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt.
Chỉ đạo tiến độ khởi công các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến tháng 12/2019, toàn bộ các gói thầu của 3 dự án đầu tư công sẽ được khởi công hết, riêng phần cầu chính Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công vào quý I/2020. Đối với 8 dự án cao tốc thực hiện theo hình thức PPP, dự kiến sẽ khởi công toàn bộ vào đầu năm 2020.
Cả nước cần xây dựng 8.000km cao tốc
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, theo Quyết định 326/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cả nước sẽ có trên 6.400km đường cao tốc được đầu tư xây dựng.
Hiện nay, Bộ GTVT đang cập nhật lại các mạng quy hoạch cao tốc trong cả nước. Theo đó, số lượng đường cao tốc cần đầu tư dự kiến tăng thêm khoảng 1.500km, đưa tổng nhu cầu xây dựng đường cao tốc trong cả nước lên khoảng 8.000km.
Theo ông Sơn, ở phía Bắc, thời gian tới sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc: Vân Đồn - Móng Cái, Thái Nguyên - Bắc Kạn, Bắc Kạn - Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên. Khu vực miền Trung sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Khu vực phía Nam, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được tập trung đầu tư, thứ hai là tuyến Dầu Giây - Tân Phú cũng đang được nghiên cứu, tiếp đến là tuyến cao tốc TP HCM- Mộc Bài. Đối với trục TP HCM- Cần Thơ, hiện nay, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đẩy nhanh xây dựng, còn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang chuẩn bị triển khai.
“Về các tuyến kết nối ngang ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu đầu tư hai dự án Châu Đốc - Long Xuyên chạy song song với QL30 nối tiếp ra đến cảng Trần Đề và một dự án cao tốc kết nối Kiên Giang với Bạc Liêu chạy song song với QL91”, ông Sơn nói và cho biết, đối với Hà Nội và TP HCM, sắp tới sẽ tập trung hoàn thiện các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, đây đều là những tuyến cao tốc sẽ được ưu tiên đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận