"Không thể đổ lỗi cho thể chế, vì không có đất nước nào một lúc có thể khắc phục, cải cách ngay được toàn bộ những trục trặc, cồng kềnh của khu vực công để nó trở nên hiệu quả ngay được".
"Do đó, khâu cần chấn chỉnh của Việt Nam chỉ là cách làm. Còn về năng lực, Việt Nam hoàn toàn làm được. Nếu đầu tư đúng trọng tâm, đúng cách tiếp cận, mục tiêu từ nay đến 2030 cả nước có 5.000 km cao tốc không phải là quá thách thức…", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Giao thông, từ Mỹ.
- Ở nước ta, đến nay đường bộ chưa có dự án nào thu hút được vốn FDI. Việc vay vốn ODA để phát triển khá khó khăn, loại hợp đồng đầu tư BOT, BT ngoài TP.HCM ra thì cả nước tạm dừng. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tăng khả năng huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển hạ tầng?
Trong mấy thập kỷ qua, Việt Nam thuộc nhóm của châu Á và thế giới có tỷ lệ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cao so với GDP. Việt Nam cũng đang trong thời kỳ chuyển đến nền kinh tế thu nhập trung bình cao. Và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu đó.
Do vậy, vấn đề trong phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam không nằm ở huy động nguồn lực, mà nằm ở đầu tư có chiến lược. Thực tế cho thấy những năm trước đây nguồn lực được phân bổ dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Ở đầu thập niên 80, GDP bình quân đầu người của Việt Nam và Trung Quốc là bằng nhau. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc gấp 3 lần Việt Nam về con số này. Có nghĩa so với tỷ phần GDP của Việt Nam về đầu tư là cao, nhưng nếu đạt mức tăng trưởng như Trung Quốc thì đầu tư thấp hơn hẳn.
Cũng không nên kỳ vọng vào FDI nhiều, khi ngưỡng khai thác nguồn lực cho đầu tư hạ tầng trên GDP của Việt Nam khá cao. Khả năng huy động được thêm nhiều các nguồn vốn khác sẽ rất thấp. Do đó, điều Nhà nước nên tập trung là làm sao sử dụng nguồn lực hiệu quả, ưu tiên đúng những nơi cần.
Trên thực tế, vốn FDI không đóng vai trò đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng cho một quốc gia, đặc biệt là tại các nước châu Á. Nguồn lực trong nước, nhất là vốn do Nhà nước huy động hoặc ngân sách có vai trò chủ yếu. Trong khi quy mô ngân sách của Việt Nam còn nhỏ, thì việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng từ đất đai là rất quan trọng.
Ví dụ với hai đô thị trung tâm, nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển là khai thác giá trị tăng thêm từ đất. Có nghĩa là sử dụng đất, khai thác đất để tạo ra giá trị. Có cơ chế để lấy giá trị từ quỹ đất đó đầu tư cơ sở hạ tầng. Tất cả đô thị lớn trên thế giới đã làm như vậy. Đáng tiếc là Hà Nội và TP.HCM và các đô thị Việt Nam chưa làm tốt điều này.
- Theo ông, làm thế nào để phân phối nguồn lực đầu tư hiệu quả?
Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ quốc gia nào cũng hướng đến việc nguồn lực được sử dụng hiệu quả và công bằng. Tuy nhiên, tùy giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn đầu, cần đạt mục tiêu hiệu quả cao hơn.
Hiểu nôm na là Nhà nước cần làm cho "chiếc bánh" to hơn, sau đó mới tính đến việc chia sao cho phù hợp. Còn với "chiếc bánh" quá nhỏ, chia càng nhiều thì phần mỗi nơi nhận được sẽ càng ít.
Hơn 20 năm trước đây, TP.HCM đã là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tiềm năng phát triển cao nhất cả nước. Tuy nhiên trái với kỳ vọng sẽ bùng nổ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lại đi chậm hơn rất nhiều.
Nguồn lực đầu tư dành cho TP.HCM trong giai đoạn vừa qua khá thấp. Trong gần ba thập niên qua, chi tiêu ngân sách của cả Việt Nam khoảng 25%-30% GDP, trong khi con số này với TP.HCM chỉ là 6-8%, tương đương mức 1/4 cả nước.
So với các vùng động lực của Trung Quốc, các thành phố lớn của nước này đã bỏ xa TP.HCM, dù cũng cùng giai đoạn phát triển.
Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc ưu tiên hiệu quả trước, rồi lan tỏa đến các vùng có tiềm năng phát triển, từ đó có nhiều nguồn thu ngân sách. Nguồn lực được mở rộng đó sẽ dành để tiếp tục đầu tư các vùng khác. Ngược lại, với cách làm như hiện nay, mức độ phát triển sẽ rất thấp, hiệu quả kém.
- Sau 20 năm (kể từ 2000 đến nay), Việt Nam trung bình mỗi năm chỉ xây được hơn 70 km cao tốc. Hơn 2 năm qua, với nhiều nỗ lực đã làm được khoảng 220 km/năm. Trong khi đó ở Trung Quốc, mỗi năm một tỉnh/thành phố làm được 500 km cao tốc. Ta có thể làm được như họ không?
Nhìn lại quá khứ, Việt Nam cũng từng thực hiện thành công rất nhiều công trình lớn trong thời gian ngắn, thậm chí trong điều kiện khó khăn. Đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam là một ví dụ. Thời gian thi công chỉ trong vòng hai năm (1992-1994) - một mốc thời gian như "không tưởng" đặt ra cho cán bộ công nhân viên ngành năng lượng lúc đó.
Nước ta giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, số lượng đường cao tốc được xây dựng rất ít. Nhưng khi Chính phủ quan tâm, Bộ GTVT nỗ lực, có cách tiếp cận triển khai bằng được thì kết quả khác hẳn.
Những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối quận 1 và TP Thủ Đức. Ảnh: Chí Hùng.
Với sự phát triển của Việt Nam những năm qua, cũng có địa phương tốt lên, trong khi thể chế là như nhau. Vì sao kết quả khác nhau? Đó là do cách làm của từng địa phương, bộ ngành phối hợp… để tạo ra sự đột phá, thay đổi.
Chẳng hạn Đà Nẵng nhiều năm trước và Quảng Ninh trong thời gian gần đây là điển hình với những cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Quay lại cách làm như Việt Nam những năm trước, nói như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cả thế kỷ nữa, hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM lẫn Hà Nội cũng chưa xong. Còn hệ thống đường cao tốc của Việt Nam cũng không biết cần bao lâu nữa mới có thể hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Đối với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… điều kiện phát triển của những quốc gia này cũng từng như Việt Nam. Các nước này cũng không có thể chế nào vượt trội hay đặc biệt hơn Việt Nam. Thế nhưng họ đầu tư xây dựng hạ tầng rất nhanh và hiệu quả. Đó là cái gì? Chỉ là dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thực hiện bằng những cách thức hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
- Cùng có điều kiện như nhau nhưng họ đã đi xa. Vậy giờ đây Việt Nam cần gì để rút ngắn khoảng cách?
Không chỉ Ấn Độ hay Trung Quốc, chúng ta có thể nhìn thành công của nhiều nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Họ cũng đối mặt những thách thức giống Việt Nam. Chung quy vẫn là yếu tố con người, có đủ cố gắng quyết tâm thực hiện.
Không thể đổ lỗi cho thể chế, vì không có đất nước nào một lúc có thể khắc phục, cải cách ngay được toàn bộ những trục trặc, cồng kềnh của khu vực công để nó trở nên hiệu quả ngay được.
Do đó, khâu cần chấn chỉnh của Việt Nam chỉ là cách làm. Còn về năng lực, Việt Nam hoàn toàn làm được. Nếu đầu tư đúng trọng tâm, đúng cách tiếp cận, mục tiêu từ nay đến 2030 cả nước có 5.000 km cao tốc không phải là quá thách thức.
Bằng không, chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 nếu không tự thay đổi cách làm của mình.
- Ba đột phá cho phát triển được Đảng ta đặt ra cho thời gian tới là hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong khơi thông nguồn lực, chuyên đánh giá thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam còn những hạn chế gì, cách tháo gỡ ra sao?
Trong thập niên qua,trong 3 đột phá, thành quả đột phá về hạ tầng rõ ràng hơn cả. Tuy nhiên, mục tiêu đột phá này vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Tôi cho rằng một trong những điều không đúng trong cách tiếp cận,đó là nhiều người đang cho rằng sẽ có phương thuốc mầu nhiệm nào đó có thể tìm ra thể chế, quy định gỡ được tất cả vướng mắc về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tốt lên. Trên thực tế, chỉ do "cách làm, cách làm và cách làm" mà thôi.
Vì chúng ta đang trục trặc ở cách làm nên phải tập trung làm bằng được những thứ đặt ra. Bài học từ Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội cũng từng khơi thông, mở ra cho TP.HCM rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên kết quả sau 5 năm thí điểm, "chiếc áo cơ chế" đặc thù này với TP.HCM vẫn được xem là quá chật.
Để nới chiếc áo đó, vừa qua Nghị quyết 98 của Quốc hội đã trao cho TP.HCM nhiều quyền tự quyết hơn để khơi thông nguồn lực. Tuy nhiên, có không sự bứt phá, thay đổi thì vẫn phải chờ vì còn quá mới. Nhưng theo tôi, chung quy là ở cách làm, đó là sự quyết tâm của chính quyền, cùng sự đứng mũi chịu sào của lãnh đạo và sự dấn thân, vào cuộc tận tâm, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Điều gì cũng đều phải đánh đổi, không thể kỳ vọng có phương thuốc chữa bá bệnh hay có một cách thức nào đó vừa muốn có hạ tầng giao thông hiệu quả, phát triển kinh tế, vừa muốn các địa phương cùng lúc đều có hạ tầng và không ai bị ảnh hưởng gì.
Nếu Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong dài hạn, thì phải làm theo cách cuốn chiếu, không thể một lúc có tất cả. Như tôi đã đề cập, hiệu quả và công bằng là mục tiêu cuối cùng của chúng ta, nhưng tùy giai đoạn cần có những ưu tiên, chấp nhận một số căng thẳng, vượt qua thách thức mới có thể đạt kết quả lớn.
Xin cám ơn ông!
Nội dung: Thư Trần
Thiết kế: Nguyễn Tường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận