Ruộng vườn chia đôi, việc làm nông trở ngại
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km. Dự án qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Trong đó, đoạn qua Đồng Tháp dài khoảng 11km.
Ông Phạm Quang (71 tuổi, ngụ ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tổng diện tích đất vườn và ruộng của gia đình là 35 công (3,5ha). Cao tốc cắt ngang, 2,5 công đất trồng lúa nằm phía bên kia đường.
Thời gian qua, khi thi công cao tốc, đường nước bị bít khiến việc tưới tiêu trở nên khó khăn. Việc đi lại, xuống giống, thu hoạch lúa cũng gặp một số trở ngại.
"Không chỉ riêng tôi bị ảnh hưởng mà nhiều hộ dân xung quanh cũng lâm vào cảnh này. Giờ đang lo, mai mốt khi cao tốc hoàn thành thì không biết làm sao để qua bên kia đường canh tác lúa được", ông Quang nói.
Cạnh đó, ông Phạm Văn Tấn (58 tuổi) cũng trăn trở vì 10 công đất vườn trồng sầu riêng, mít và ổi đang cho trái cũng sẽ bị ngăn đôi.
Ông Tấn nói: "Làm cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội thì dân mừng lắm. Nhưng bây giờ đang gặp khó về canh tác nông nghiệp. Mong chính quyền các cấp quan tâm sớm làm đường dân sinh cho dân dễ đi lại".
Xin chủ trương đầu tư, sớm bổ sung đường dân sinh
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ qua địa bàn tỉnh có tổng diện tích thu hồi đất khoảng 73ha, với 445 hộ dân xã An Khánh và An Phú Thuận, huyện Châu Thành bị ảnh hưởng.
Số hộ dân có đất bị ảnh hưởng trực tiếp ở xã An Khánh là 85 hộ và 54 hộ có đất bị ảnh hưởng gián tiếp. Xã An Phú Thuận có trong 49 hộ dân có đất bị ảnh hưởng trực tiếp và 15 hộ bị ảnh hưởng gián tiếp.
Trước đây, tỉnh có Công văn số 312 đề nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom 2 bên dọc tuyến chính.
Do tiến độ và nguồn vốn đầu tư, tại thời điểm đó mới xem xét đầu tư hệ thống đường gom 1 bên xen kẽ.
Chủ đầu tư cho biết, quá trình thi công cao tốc ít nhiều ảnh hưởng hoạt động sản xuất của người dân, khi cao tốc đi qua đã chia đôi một số thửa đất lớn dọc theo tuyến
Ở Miền Tây, người nông dân canh tác trên đồng lớn. Việc mảnh ruộng bị chia cắt đã gây nên những khó khăn nhất định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, trước kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, đơn vị đã trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, có bổ sung đường dân sinh dài hơn 7km. Quy mô cấp đường giao thông nông thôn rộng 3,5m. Kinh phí thực hiện gần 129 tỷ đồng.
"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang thực hiện các thủ tục liên quan để trình Bộ GTVT xin chủ trương đầu tư. Sau khi được sự đồng ý sẽ làm đường dân sinh trong thời gian sớm nhất", ông Thi cho biết.
Được biết, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung nút giao và đường gom; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh. Theo kế hoạch, sau khi Bộ GTVT thẩm định sẽ trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh.
Sau khi hoàn tất các thủ tục và khởi công, dự kiến hết năm 2025, hoàn thành hạng mục theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận