Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền trao đổi với báo chí sáng 25/10 |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chia sẻ với báo chí sáng nay (25/10).
Theo chương trình, sáng nay, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác của Chánh án TTAND tối cao.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cũng trình bày Báo cáo về công tác thi hành án.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao; công tác thi hành án, QH đã tiến hành thảo luận ở hội trường xung quanh các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên hành lang QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đã chia sẻ với báo chí xung quanh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. PV Giao thông lược ghi nội dung cuộc trao đổi.
Ông đánh giá thế nào về tác dụng của việc kiểm soát tài sản đối với công tác phòng chống tham nhũng?
Kiểm soát tài sản không những chỉ để chống tham nhũng mà còn chống rửa tiền, chống buôn lậu, chống trốn thuế, gian lận thương mại... Thế nhưng đây là một việc vô cùng khó. Cái mà chúng ta đang làm hiện nay là kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn, nhưng thực tế chưa làm được.
Cái khó ở đây là vì sao?
Bên cạnh việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn thì người đó, theo quy định của pháp luật, họ có quyền công dân, có quyền được bí mật về tài sản để bảo đảm an toàn trong các giao dịch. Cho nên để nghiên cứu vấn đề này phải nghiên cứu một cách đồng bộ. Nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta từng bước phải làm ngay việc kiểm soát tài sản của toàn xã hội. Nếu chúng ta cứ loay hoay trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn, thì có thể xảy ra câu chuyện: ông bố có thể là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh - chẳng có tài sản gì cả. Nhưng con là giám đốc một ngân hàng lại có hàng nghìn tỷ. Trong trường hợp đó, chúng ta không thể kiểm soát được.
Vậy phải chăng việc kê khai tài sản hiện nay không có nhiều tác dụng?
Việc kê khai, công khai tài sản ở nơi công tác, nơi cư trú cũng chỉ là một kênh rất nhỏ trong việc để chúng ta tiến tới kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn. Chúng ta đang tiến tới xây dựng một thiết chế để kiểm soát tài sản, cái đó mới là cái quan trọng nhất. Chứ còn kê khai tài sản chỉ là một kênh hỗ trợ cho việc kiểm soát tài sản thôi.
Những bản kê khai tại nơi công tác, nơi cư trú, nhiều người đều có thể đọc được nhưng cái đọc được đó có kiểm soát được không thì còn một khoảng cách rất lớn. Vì khi tranh chấp một tài sản trong dân sự, hay kể cả trong vụ án hình sự, tòa đi xác minh, cơ quan điều tra đi xác minh còn rất khó xác định tài sản đó là của ai huống chi mọi người chỉ "đọc" thôi thì làm sao kết luận được tài sản đó là minh bạch hay không minh bạch, nguồn gốc tài sản đó do đâu.
Ông có cho rằng việc kê khai và công khai đó chỉ là hình thức?
Hiện nay, việc kê khai chủ yếu dựa vào sự tự giác của cán bộ, viên chức. Chúng ta chưa có một thiết chế để kiểm soát lại sự tự giác đó như thế nào. Đó là cái mà chúng ta đang làm cho dự án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.
Năm nào các cơ quan tư pháp cũng nói là tình hình tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp nhưng lại không lượng hóa được mà chỉ là định tính?
Báo cáo nói là phức tạp, nghiêm trọng nhưng phức tạp, nghiêm trọng đến đâu thì Thanh tra Chính phủ đã có thông tư đưa ra những tiêu chí đánh giá về tình hình tham nhũng. Tuy nhiên, thấy cũng chưa ổn nên vừa rồi lại sửa đổi. Nhưng rõ ràng đấy là cả một quá trình. Bởi vì, bản chất của tham nhũng là ngầm. Tính mà đo đếm được không có. Cái quan trọng nhất là sự hài lòng của người dân đối với hoạt động chống tham nhũng. Sự hài lòng này được đo đếm bằng rất nhiều phương diện: Tính thông thoáng, sự nhũng nhiễu, hoạt động ngầm... Nhưng thông qua tất cả thông tin và qua hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp thì chúng tôi vẫn khẳng định rằng, hoạt động tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
Nó có thể là đỡ ở địa phương này, lĩnh vực này nhưng lại phát sinh và phức tạp ở lĩnh vực khác, địa phương khác và điều đó đang đòi hỏi các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chuyên trách phải nâng cao hơn nữa nghiệp vụ của mình trong việc phát hiện tham nhũng. Có như vậy chúng ta mới xác định được nhiều hơn, và sau phát hiện lại xử lý tốt nữa thì chúng ta từng bước sẽ hạn chế tham nhũng.
Bình Minh (ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận