Xã hội

Muốn cơ cấu lại nền kinh tế cần vượt qua "tư duy nhiệm kỳ", lợi ích cục bộ

30/10/2021, 14:30

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, phải vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống các cát cứ chia cắt.

Tiếp thu, giải trình ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về thực chất đây là một quá trình phân bổ lại nguồn lực cho phát triển trên phạm vi ở tầm quốc gia.

Trong đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó giúp nâng cao được năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Còn về bản chất thì đây thực chất là một quá trình chúng ta phải thay đổi hệ thống thể chế, chính sách phù hợp với tình hình mới.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

"Chúng ta không chỉ tập trung vào cơ cấu lại các ngành và các thành phần kinh tế hay các không gian kinh tế mà còn phải quan tâm đến những lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng, lợi thế hoặc là dư địa mới, lớn và cơ hội mới để làm sao trở thành những ngành mũi nhọn mang tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế", ông Dũng nói thêm về bản chất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Dũng nêu thực tế, hiện trong 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, chúng ta chưa đạt hiệu quả đúng như trong kế hoạch.

"Sản xuất đang còn mang tính gia công, lắp ráp nhiều, nội địa hóa còn thấp, phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn lớn. Năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, tính chống chịu của chúng ta còn rất thấp, chưa kể những thách thức mới trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ông Dũng khẳng định, việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh hơn, thực chất hơn là việc hết sức cần thiết hiện nay. Nếu không chúng ta không thể thực hiện được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Bên cạnh đó là nguy cơ không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, không ứng phó được với biến đổi khí hậu cũng như các thiên tai, dịch bệnh…

Trước những yêu cầu cấp thiết trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được. Phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để chúng ta quyết tâm thực hiện với một tư duy tầm nhìn mới.

"Phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống các cát cứ chia cắt. Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy chúng ta mới giải quyết được. Chứ nếu chúng ta đi theo từng phân khúc, chia cắt nó ra thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế", ông Dũng nhấn mạnh.

Về tờ trình Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình kinh tế mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.