Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2018 cho các bộ, ngành, địa phương, do VPCP tổ chức sáng 20/12.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để gắn kết và đồng bộ giữa cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng Chính phủ điện tử, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chuyển các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, kiểm soát TTHC và chủ trì triển khai nhiệm vụ về cải cách TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về Văn phòng Chính phủ và chuyển nhiệm vụ từ Sở Tư pháp, Sở Nội vụ về Văn phòng UBND cấp tỉnh, cơ quan tư pháp cấp bộ chuyển về văn phòng cấp bộ, tập trung một đầu mối để tham mưu trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm 6.279 tỷ đồng với 17,5 triệu ngày công.
Bên cạnh đó, đã có 39/63 tỉnh, thành phố có trung tâm hành chính công. Tuy nhiên, có địa phương có trung tâm dịch vụ hành chính công, công bố TTHC công cấp độ 3, 4 nhưng không có hồ sơ chạy trên nền điện tử. “Chúng ta nhận hồ sơ nhưng lại đi bộ, đi xe về sở, hay sở cử người đến nhận hồ sơ về giải quyết xong, trên cơ sở giấy hẹn, lại mang kết quả đến trung tâm hành chính công để trả, như vậy là không đúng tinh thần của trung tâm dịch vụ hành chính công”, Bộ trưởng nêu rõ và cho rằng, cần có sự thống nhất cao hơn, phân cấp mạnh hơn và giao quyền tốt hơn nữa.
Ông cũng chỉ ra rằng có địa phương các sở, ngành đều có phần mềm nhưng khác nhau nên không kết nối, hỗ trợ, chia sẻ được, có nhận hồ sơ cũng không xử lý trên nền điện tử được. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu quán triệt tốt việc triển khai cải cách TTHC, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và trách nhiệm các cơ quan văn phòng, tư pháp, hành chính các cấp phải tập trung vào cải cách lề lối, tác phong làm việc, đặc biệt là các cơ quan văn phòng, tư pháp, hành chính các cấp. “Cần phải cải cách từ chính chúng ta, từ lề lối làm việc, tác phong của mỗi cán bộ, việc cải cách phải đổi mới từ mỗi con người”, ông Dũng nói và cho rằng, cải cách phải rất chuyên nghiệp, không tâm huyết, không đau đáu thì không làm được. Cải cách là phải cắt bỏ những gì liên quan đến quyền lợi, loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ những yếu tố mang tính tiêu cực và không thực chất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận