Quản lý

Muốn dẹp “xe dù” phải... cắt được “dù”

27/05/2015, 05:47
image

Dư luận định nghĩa "xe dù” không phải như trước nữa mà là xe có "dù”. Làm sao phải cắt bỏ được cái "dù”...

61
Những xe hợp đồng đang đậu chờ đón khách trên đường Mai Chí Thọ, Q.2, TP HCM - Ảnh: Phan Tư

Chỉ có lực lượng chức năng mới phát hiện cái "dù” ấy ở chỗ nào để nhấc ra, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã đặt ra vấn đề tại hội thảo "Giải pháp chống xe dù, bến cóc" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sáng 26/5. Hội thảo do Báo Giao thông phối hợp với Ban ATGT TP HCM tổ chức.

 (Video Clip: Nhóm PV Báo Giao thông )

Bốn loại “xe dù” náo loạn thành phố

Đại diện cho cơ quan chức năng của thành phố phát biểu tham luận đầu tiên, ông Lê Hồng Việt, Phó chánh TTGT Sở GTVT TP HCM, chỉ rõ bốn loại hình “xe dù” để nhận diện. Đầu tiên là xe chạy tuyến cố định liên tỉnh hoạt động trong bến, có lên tài, chuyến nhưng khi ra khỏi bến thì đón khách dọc đường. Thậm chí có xe đăng ký hoạt động trong bến nhưng lại không vào bến.

Nhưng rầm rộ và công khai hơn hiện nay là dạng xe du lịch lữ hành (open tour). Những xe này đăng ký chở khách du lịch theo lịch trình nhưng trá hình chở khách tuyến cố định. Cùng với đó là xe hợp đồng. Ông Việt cho biết đây là dạng “xe dù” biến tướng nhiều nhất. Các nhà xe này dùng chiêu thu gom khách lẻ, tổ chức đưa rước khách tại địa điểm nhất định theo yêu cầu, sau đó làm hợp đồng và danh sách hành khách đi trên xe để đối phó cơ quan chức năng. Nhà xe trực tiếp thu tiền của hành khách trên xe. “Hoạt động này thực chất là vận chuyển khách tuyến cố định”. Bên cạnh đó còn có xe vận chuyển khách Liên vận quốc tế. Các xe này đáng ra phải vào Bến xe An Sương (Q.12) nhưng lại đi thẳng vào trung tâm Q.1, Q.5.

Dù đã nhận diện được các loại “xe dù”, nhưng Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP HCM nêu nhiều khó khăn trong việc xử lý “xe dù, bến cóc”. Cụ thể, với các xe này, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý lỗi “dừng đỗ không đúng nơi quy định”. Các xe này hoạt động trong nội thành nên khi dừng kiểm tra thì sợ gây ùn tắc giao thông.

Ông Lê Hồng Việt cho rằng, một số quy định của pháp luật chưa được chặt chẽ nên “xe dù” vẫn còn đất rộng để sống. Chẳng hạn như bất cập giữa Luật GTĐB và Luật Du lịch; Việc một đơn vị kinh doanh vận tải được phép đăng ký hoạt động với nhiều loại hình vận tải khách hoặc một phương tiện đưa vào hoạt động có nhiều phù hiệu… đã tạo kẽ hở để các DN lợi dụng.

63
Ông Khuất Việt Hùng

Vì sao TPHCM vẫn ì ạch trong việc dẹp “xe dù”

Hội thảo trở nên sôi nổi khi đến phần thảo luận của các đại biểu. Quận Tân Bình được xem là điểm “nóng” về “bến cóc, xe dù” khi có nhiều xe công khai đón, trả khách ở khu vực Bàu Cát, đường Đồng Đen, Hồng Lạc thuộc Phường 11.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đặt câu hỏi đầu tiên với ông Bùi Ngọc Giàu, Phó đội trưởng Đội CSGT quận Tân Bình là có biết tình trạng này không? Đã xử lý đến đâu?

Ông Giàu cho biết, từ năm 1998 đã biết những điểm này là nơi đón trả khách trái phép của nhiều xe như: DN Ba Ngà, Chín Song, A Tỷ… Đã tổ chức tuyên truyền, mật phục, xử phạt rất nhiều trường hợp đón, trả khách ở đây.

“Vậy hiện nay có còn không không? Bao giờ thì hết?”, ông Hùng truy vấn. “Chúng tôi ghi nhận lại chỉ đạo của đồng chí và tham mưu cho đồng chí đội trưởng, UBND quận để xử lý”, ông Giàu trả lời.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đặt câu hỏi với Phòng CSGT và TTGT Sở GTVT TP Hồ Chí Minh là có gửi danh sách vi phạm và kiến nghị rút phù hiệu các xe vi phạm không? Ông Lê Hồng Việt cho biết là đều gửi báo cáo lên Sở GTVT, còn việc rút phù hiệu là trách nhiệm của Sở GTVT.

“Sở GTVT đã rút phù hiệu của bao nhiêu DN?”, ông Hùng hỏi ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng QLVT Sở GTVT TP HCM. “Cái này để tôi điện hỏi văn phòng rồi trả lời”. Sau một hồi ông Đức cho biết, từ đầu năm đến nay đã tước phù hiệu của 74 xe vi phạm trên địa bàn thành phố, còn 25 xe của các địa phương thì Sở gửi thông báo.

Ông Khuất Việt Hùng tiếp tục đặt câu hỏi với ông Phạm Phú Quốc, Phó phòng quản lý đô thị quận Thủ Đức, có nắm được các điểm hoạt động của xe dù, bến cóc trên địa bàn hay không? Ông Quốc ậm ờ cho biết, một số điểm ở Ngã tư Thủ Đức, QL13 là nơi các xe thường bắt khách. “Thông tư 18 và Thông tư 63 quy định địa phương phải quy hoạch các điểm đón, vậy địa phương đã thực hiện chưa? Ngã tư Thủ Đức có nằm trong quy hoạch không? Đã bao giờ Sở GTVT đến làm việc với quận để quy hoạch điểm đón trả khách chưa?”, ông Hùng hỏi tiếp. “Cái này tôi chưa nắm nên chưa trả lời được”, ông Quốc nói.

Nhà báo Mai Vọng (Báo Thanh niên) thông tin thêm: Vừa qua anh có đặt câu hỏi với Sở GTVT về việc quy hoạch các điểm đón trả khách để viết bài nhưng một thời gian sau Sở GTVT mới trả lời là chưa quy hoạch xong, mặc dù quy định đã có từ lâu. Ông Phạm Đình Đức (Phòng QLVT) cho biết, đã họp với các DN bến, DN vận tải nhưng có người đồng tình lập điểm đón trả khách, có người không. Thậm chí người dân ở đó còn phản ứng vì sợ mất vệ sinh, mất an toàn. “Nhưng thực tế xe vẫn đang dừng đón, trả khách ở Suối Tiên, Ngã tư Bình Phước. Có ai ra đuổi các xe này không? Nói bảo kê thì có thể chưa hẳn nhưng chắc chắn phải có ai đó đứng ra tổ chức điều hành thì các xe mới vào đây đón trả khách được”, ông Khuất Việt Hùng truy. “Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở để sớm thực hiện quy hoạch điểm đón trả khách”, ông Đức cho biết.

“Dân thì đang chờ chính quyền lập các điểm đón trả khách hợp pháp, mình thì làm quy hoạch mãi không xong. TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong nhiều mặt nhưng riêng vấn đề này lại ì ạch. Xe dù, bến cóc lúc nào cũng nhức nhối nhất cả nước. Lần nào tôi vào TPHCM đi bắt xe dù là cũng bắt được ngay. Tại sao hơn 300 cán bộ TTGT mà không làm được là thế nào? Vô lý!?”, ông Khuất Việt Hùng nói.

62
Một bãi giữ xe thường xuyên cho xe đón, trả khách trái phép tồn tại nhiều năm trước Bến xe Miền Đông

Chỉ rõ người chịu trách nhiệm

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã chỉ đạo phải xây dựng một văn bản chỉ đạo việc đảm bảo ATGT đối với xe khách. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT đối với vận tải hành khách. Trong đó chỉ rõ cơ quan, người chịu trách nhiệm trong việc xử lý hoạt động vận tải hành khách nếu không đảm bảo ATGT. Từ ngày 1/7/2015 tất cả xe hợp đồng phải gửi thông tin về Sở GTVT trước khi hoạt động như: Số lượng khách, hành trình, điểm đi, đến…từ đó cơ quan chức năng sẽ thuận tiện hơn trong việc xử lý nếu có vi phạm.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho rằng, hội thảo đã làm sáng tỏ ra nhiều vấn đề. Việc nhận diện “xe dù, bến cóc” đã được chỉ rõ. Các giải pháp cũng được đưa ra. Quy định luật pháp cũng được sửa đổi để lực lượng chức năng có đủ điều kiện để xử lý.

Ông Tường cho biết, Thường trực UBND thành phố, mà đích thân là Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo đến cuối năm 2015 phải xử lý triệt để “xe dù, bến cóc”. Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ rõ các cơ quan thực thi nhiệm vụ này, trong đó đồng chí Giám đốc Sở GTVT là người chủ trì. “Ban ATGT sẽ là cơ quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thường trực UBND thành phố. Ai không làm nghiêm túc sẽ bị xử lý. Nếu đơn vị nào làm không được thì phải giải trình với Chủ tịch UBND TP vì sao không dẹp được “xe dù, bến cóc”, ông Tường nhấn mạnh.

64
 

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT):
Tổng kiểm tra “xe dù, bến cóc”

Sắp tới sẽ thực hiện cao điểm tổng kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, sẽ rà soát từ tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện, tải trọng xe, các điều kiện đảm bảo ATGT của xe; các điều kiện của lái xe đến việc chấp hành các quy định và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của đơn vị kinh doanh vận tải. Bộ cũng chỉ đạo các Sở GTVT sẽ lập kế hoạch liên ngành xử lý ‘‘bến cóc, xe dù‘‘ tại địa phương.

65
 

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP Hồ Chí Minh:
Luật không thiếu

Nghị định 86 của Chính phủ, Thông tư 63 của Bộ GTVT quy định khá rõ ràng  nên chúng ta không thể đổ lỗi về lý do thiếu luật. Những người thực thi pháp luật thừa biết đâu là xe chạy tuyến cố định, đâu là “xe dù”. Hình như các cán bộ này cố tình không hiểu hay là vì lợi ích riêng tư.

66
 

Ông Văn Công Điểm, phó Giám đốc điều hành Công ty CP vận tải & dịch vụ du lịch Phương Trang:
Chờ gì nữa mà không dẹp

Tôi còn nhớ tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm gì để dẹp xe khách trá hình?” được Báo Giao thông tổ chức vào chiều 25/8/2014 cũng đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước trông chờ vào việc sửa đổi Nghị định 93, Nghị định 91 để dẹp xe dù, bến cóc. Đến nay, Nghị định 86 của Chính phủ đã có hiệu lực, sửa đổi Nghị định 93, Nghị định 91 trước đây. Vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước còn chần chờ gì nữa mà không dẹp “xe dù, bến cóc” đi, để ngành vận tải của thành phố đi vào trật tự, nền nếp.

67
 

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe miền Đông:
Quan trọng là người thực thi công vụ có thực tâm làm

Mỗi lần có dịp nói lên việc chống xe dù, bến cóc thì cơ quan thực thi nhiệm vụ đều nói luật pháp còn thiếu cái này, cái kia nên khó xử lý. Cùng chung hệ thống pháp luật sao ở TP Cần Thơ, Gia Lai không hề có “xe dù, bến cóc”. Không có xe nào từ các tỉnh về Cần Thơ, Gia Lai mà hoạt động “dù” được vì đến đó là bị xử lý ngay. Sao TP Hồ Chí Minh không kiên quyết như vậy?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.